Léopold Simoneau – “A Poet among Tenors”

Simoneau-Leopold-07[0HHHHH_011]

Léopold Simoneau – Tenor (1916-2006)

Trong một bài viết về các vai diễn Tenor trong opera Mozart mới đăng gần đây trên trang Sinfinimusic của Christopher Gillett, tác giả người Anh đồng thời cũng là một giọng Tenor chuyên nghiệp có một nhận xét khá thú vị: “… Vấn đề rắc rối là, rất nhiều các vai Tenor trữ tình của Mozart là những nhân vật có tính cách khá buồn tẻ – hay rao giảng đạo đức và có xu hướng rơi vào một kiểu ngớ ngẩn hiếm thấy. Và giả như có một thứ gì đấy nhàm chán và khó để diễn xuất trên sân khấu hơn cái kiểu đó nữa thì tôi cũng chưa từng gặp bao giờ. Một nhân vật yếu đuối kém cỏi thậm chí có khi còn hay ho hơn…”.

Mặc dù Mozart viết không ít những aria tuyệt đẹp cho các vai Tenor trữ tình trong opera của mình, nhưng phần lớn đều là những nhân vật có cá tính khá nhạt nhòa và rất ít khi các vai tenor ấy, kể cả là những vai chính khá dài và cực kỳ khó (như Ferrando trong “Così fan tutte” chẳng hạn) trở thành ngôi sao của đêm diễn và họ thường phải nhường lại hào quang cho các soprano và thậm chí bass, baritone. Một trong những vai diễn điển hình như vậy là Don Ottavio trong kiệt tác “Don Giovanni” của Mozart, vai diễn mà Gillett cho là: “không ngừng hát rằng anh ta tức giận thế nào mà thực tế thì chả làm quái gì cả”.

Trong “Don Giovanni”, Don Ottavio là một chàng quý tộc hào hiệp vốn được hứa gả cho tiểu thư Donna Anna con Quan tể tướng (Il Commendatore). Nhưng Donna Anna không may lọt vào mắt xanh của gã Don Giovanni sở khanh háu gái, nàng bị hắn làm nhục và đau xót hơn, cha nàng vì bảo vệ danh dự cho nàng đã phải chịu chết dưới mũi kiếm oan nghiệt của gã quý tộc bất trị. Vì tình yêu với Donna Anna, Don Ottavio luôn tìm mọi cách dò la tung tích của Don Giovanni, quyết trừng phạt hắn trước những tội lỗi đã gây ra để rửa nhục cho Donna Anna và mang lại sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn bị tổn thương của nàng. Tất nhiên Don Giovanni cuối cùng cũng bị trả giá, dù không phải dưới tay Don Ottavio, nhưng ít nhất tình cảm chân thành và tấm lòng trượng nghĩa của Don Ottavio cũng làm được đền đáp bằng tình yêu chung thủy của Donna Anna.

Không mỉa mai và châm biếm như Gillet, Léopold Simoneau – giọng tenor người Canada gốc Pháp và là một trong những Mozartean xuất sắc nhất hậu Thế chiến, có một cái nhìn khách quan và cẩn trọng hơn về Don Ottavio: ” Tôi đã nghiên cứu một chút về nhân vật này trước khi thể hiện nó, và thậm chí trong suốt sự nghiệp của tôi. Nếu anh tiếp cận vở kịch gốc của Don Giovanni, hay thậm chí bản kịch của Molière (vở Dom Juan), anh sẽ thấy là Ottavio có cá tính mạnh mẽ hơn rất nhiều so với ý niệm của Da Ponte (người soạn lời cho Don Giovanni của Mozart). Tôi cố gắng gia tăng thêm cá tính mạnh mẽ từ những bản kịch Don Giovanni khác vào tinh thần của Don Ottavio trong lời hát của Da Ponte.”

“Ngài Mozart” – những khán giả của thành Vienna đã gọi Léopold Simoneo bằng cái biệt danh đầy ưu ái như vậy. Chất giọng mượt mà êm ái, kĩ thuật thanh nhạc hoàn hảo và đặc biệt là một phong thái thanh lịch và cực kỳ tinh tế hiếm thấy trong lối hát ở các tenor đã làm nên một cá tính nghệ sỹ vô cùng khác biệt và độc đào trong lứa ca sĩ thế hệ vàng thập niên 50 – lứa nghệ sỹ vốn không thiếu anh tài thanh nhạc đủ loại. Các tác phẩm trữ tình Pháp và đặc biệt là opera Mozart gần như là những kịch mục thế mạnh tuyệt đối của Leopold Simoneau. Dù L.Alva, N.Gedda, F.Wunderlich và đặc biệt là giọng Tenor Áo tài năng gốc Slovenia – A. Dermonta (một trong những Mozartean xuất chúng khác mà Ad rất nể trọng) có những tìm tòi thể hiện ấn tượng trong các vai Tenor Mozart, nhưng có lẽ không ai trong số đó hát Mozart vừa mẫu mực mà lại vừa duyên dáng đầy quyến rũ như Simoneau.

Simoneau có một sự tôn thờ nhất mực với Mozart, như ông từng tâm sự về bí quyết hát Mozart là “…anh phải yêu nhà soạn nhạc bằng cả trái tim. Điều đó có nghĩa là anh sẽ phải chấp nhận trở thành một kẻ nô lệ cho vị thiên tài ấy, phải dâng hiến toàn bộ thời gian, năng lượng trong việc nghiên cứu tìm tòi, thấm nhuần và để trau chuốt được thứ văn chương đẹp đẽ ấy. Tôi không nghĩ rằng ai đó có thể đến và yêu được Mozart ngay lập tức. Tình yêu đó đến từ việc anh phải chắt lọc thẩm mỹ của anh và từ sự thấu hiểu con người này.”

Tuy vậy, sự tinh tế, tao nhã và uyên bác trong lối thế hiện của Simoneau không dễ dàng gây thiện cảm với những khán giả quen với những âm thanh đại bác cường tráng khổng lồ của các tenor kịch tính đương thời. Simoneau hầu như không tạo được chút tiếng vang gì tại các nhà hát bên kia bờ Đại Tây Dương, dù từng đôi lần được mời hát tại Met Opera. Trái lại, ông lại rất được ưa chuộng ở Châu Âu và luôn nhận được sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp cũng như những lời phê bình đầy thiện chí từ những tai nghe khó tính nhất.

Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Jürgen Kesting gọi Simoneau là “một nhà thơ trong số những tenor”, còn Jens Malte Fischer của tờ Süddeutsche Zeitung thì viết rằng: “Nếu có bất cứ bản thu nào của Simoneau thì hãy lập tức mua ngay, khỏi cần nghe thử”. Có lẽ không cần phải giới thiệu thêm nữa. Dưới đây là một trong hai aria nổi tiếng nhất của Don Ottavio “Il mio tesoro” (Aria còn lại là “Dalla sua pace”) với bản thu studio lừng danh thực hiện năm 1953 của Léopold Simoneau. Tất cả đều hoàn hảo từ phong cách thể hiện, lối phân câu cho đến giọng hát liền mạch, mịn màng khó sánh của một trong những tenor trữ tình nhẹ đẹp nhất trong lịch sử ghi âm.

Một giọt lệ âm thầm lặng lẽ

roberto-alagna

Tenor Roberto Alagna (1963)

Trong vở opera “L’elisir d’amor”, anh chàng nông dân thật thà Nemorino vốn phải lòng cô điền chủ xinh đẹp Adina, mà không biết làm thế nào có thể chiếm được trái tim cô nàng thông minh lém lỉnh này. Nemorino dại dột lại nghe lời tay lang băm dạo dốc cạn túi tiền mua một thứ rượu “mê tình” với hi vọng sau khi uống nó Adina đổi ý và nảy sinh tình cảm với cậu ta.

Thứ rượu giả cầy đó tất nhiên không mang lại tác dụng gì mà tiền thì giờ cũng chẳng còn, anh chàng ngốc nghếch bèn chấp nhận đăng lính để có tiền mua thêm “rượu tình” vì cho rằng mình dùng chưa đủ liều.

Cùng lúc ấy, ông bác ruột của Nemorino bỗng qua đời, anh ta không hề hay biết mình chính là người được thừa kế duy nhất gia tài kếch xù của ông bác và tự dưng trở thành một người giàu có. Tin đồn lan nhanh, các cô gái trong làng xôn xao, vội nườm nượp vây quanh Nemorino, còn gã ngốc kia lại cứ tưởng đó là nhờ tác dụng của thứ nước rởm rít đó, nên càng thích thú vui vẻ chuyện trò với các cô gái, thậm chí còn tỏ ra không thèm để ý đến Adina nữa.

Sự nổi tiếng bất chợt của Nemorino chạm đến lòng tự ái của Adina, dù ít nhiều cô cũng có cảm tình với anh chàng nông dân chất phác. Cô càng tức giận hơn khi biết chuyện Nemorino đã đăng lính chỉ để có tiền mua “rượu tình”. Và khi tay lang băm cáo già lại tiếp tục mon men tới dụ dỗ Adina mua tình dược, cô nàng kiêu hãnh, sắc sảo liền từ chối thẳng thừng, và thề quyết dùng sự quyến rũ của mình để khiến Nemorino quay lại mà không hề biết rằng, thực ra trong tâm trí Nemorino trước sau gì cũng chỉ có một mình hình bóng của cô mà thôi.

Cơn giận và sự ấm ức của Adina lại được Nemorino tồ tệch hiểu theo một nghĩa khác. Thoáng thấy khóe mắt ướt của Adina, Nemorino cho rằng, dưới năng lực thần kì của “rượu tình”, Adina giờ đã thực sự yêu anh và giọt nước mắt ấy rớt xuống chính bởi cô đang ghen với các cô em xinh đẹp đang bu xung quanh anh lúc này. Và đến lúc này, Donizetti đã gửi tặng cho khán giả một aria tuyệt đẹp qua nhân vật Nemorino – bản romanza: “Una furtiva lagrima” (một giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ rơi).
——————–
Thực ra cũng chẳng cần phải giới thiệu quá dài dòng về “una furtiva lagrima”, vì aria nổi tiếng này đã xuất hiện nhan nhàn trong các tác phẩm điện ảnh hay những sản phẩm văn hóa đại chúng. Cũng giống như “la donna è mobile” hay “O mio babbino caro”, giai điệu dịu dàng, mê đắm của bản romanza trữ tình này dễ dàng hớp hồn hàng triệu khán thính giả ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với nó.

Dưới đây là phần thể hiện của giọng tenor tài năng người Pháp gốc Ý, Roberto Alagna. Trong suốt thập niên 90, có thể coi Alagna là giọng tenor sáng nhất trên sân khấu opera thế giới. Cùng với mối tình đẹp như mộng với prima donna người Rumania, Angela Gheorghiu, sự nghiệp Alagna lên đến đỉnh trong những năm đầu tiên của thế kỉ XXI.

Nhưng chỉ vài năm sau, với những scandal về thái độ ngôi sao, thiếu chuyên nghiệp (đặc biệt là vụ bỏ ngang lưng đêm diễn Aida tại La Scala năm 2006 khi bị khán giả boo), tên tuổi của Alagna ít nhiều bị ảnh hưởng. Và vị trí tenor số 1 của Alagna nhanh chóng bị thay thế bởi các đàn em như Jonas Kaufmann, Joseph Calleja,…

Dù vẫn tiếp tục có những buổi diễn thành công nhưng hào quang rực rỡ trước đây của Alagna đã suy giảm và cuộc hôn nhân với Gheorghiu rồi cũng chính thức tan vỡ sau nhiều lần dùng dằng, níu kéo. Tuy vậy, những bản thu âm trong thập niên 2 thập niên trước (đặc biệt là những bản thu với người vợ cũ xinh đẹp, soprano Angela Gheorghiu) vẫn luôn là những bản ghi âm đáng nhớ và được nhiều nhà phê bình đánh giá cao.

Bản thu được chọn làm phụ đề giới thiệu ở đây nằm trong concert rất thành công tại Paris năm 2001 của Alagna – năm đỉnh cao trong sự nghiêp của anh. Trong phần lời hai, Alagna đã trình diễn phiên bản biến tấu khá thú vị, nhưng ít được sử dụng với phần ornament (điểm note trang trí) đặc biệt do chính Donizetti viết.

Muti – O mia patria sì bella e perduta…

Par583306 Conductor - Riccardo Muti

Riccardo Muti – Conductor 

Ngày 12 tháng 3 năm 2011, nhân lễ kỉ niệm 150 năm ngày thống nhất nước Ý, vở opera Nabucco, kiệt tác đầu tiên của Verdi, được dàn dựng tại nhà hát thủ đô Teatro dell’Opera, Roma dưới đũa chỉ huy của Riccardo Muti – 1 trong những nhạc trưởng tài năng nhất của Ý trong thế hệ này. Và nó đã trở thành một sự kiện văn hóa gây chấn động, vượt ra khỏi tinh thần 1 buổi lễ kỉ niệm thông thường.

Trong bối cảnh nền kinh tế Ý ngày một khó khăn, quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa bị cắt giảm không thương tiếc, còn chính phủ của thủ tướng Berlusconi đương thời lại dây vào không biết bao nhiêu những vụ bê bối ăn chơi trác táng, phè phỡn, xa hoa, Muti, bằng âm nhạc tuyệt vời của Verdi, đã nhân sự kiện này để bày tỏ lòng tiếc nuối vô hạn những di sản vĩ đại của văn hóa Ý đang dần dần mai một. Ông tuyên bố một cách thẳng thắn với chính quyền và giới tinh hoa rằng nước Ý rằng cần phải có một hành động trước khi bản hợp xướng ” Va, pensiero” trong vở opera tuyệt tác này sẽ trở thành “khúc nhạc đưa đám” cho cả nền văn hóa Ý.

Điều gì đã thực sự xảy ra tại nhà hát Roma vào cái đêm 12 tháng 3 hôm ấy?

Vị nhạc trưởng gốc Napoli đã hồi tưởng lại: “Vở opera diễn ra khá ổn thỏa, nhưng khi chúng tôi bước vào bản “Va pensiero” , đột nhiên không khí trong toàn bộ khán phòng như trở nên căng lên. Có một số điều bạn không thể miêu tả ra mà chỉ có thể cảm nhận được thôi. Trước đó, mọi người còn rất im lặng để thưởng thức vở opera. Khi tất cả nhận thấy “Va pensiero” đã bắt đầu, toàn bộ sự im lặng ấy như dâng đầy một bầu nhiệt huyết.

Muti có thể cảm thấy từng mạch máu của mỗi khán giả như bị tác động bởi lời than khóc của những người Nô lệ Hebrew: “Oh mia patria, si bella e perduta!” (Ôi Tổ quốc ta, tổ quốc tươi đẹp đã không còn nữa rồi!). Họ bắt đầu nghĩ rằng: “Tất cả mọi thứ làm nên sự vĩ đại của đất nước chúng ta trong quá khứ đã mất rồi”.

Ngay khi Muti vừa kết thúc bản hợp xướng, những tiếng hô liên tục vang lên: “Hãy Bis lại đi”. Khán giả bắt đầu la hét “nước Ý trường tồn”, “Verdi sống mãi”. Những người ngồi hàng đầu ở các khoang riêng bắt đầu ném những mảnh giấy với những khẩu hiệu yêu nước, thậm chí có cả: “Muti, Nghị sỹ của đời sống”, “Tổng thống Napoli muôn năm”.

Muti có chút do dự khi thực hiện encore (diễn lại trên sân khấu khi được khán giả hoan hô, ủng hộ), mặc dù ông đã từng làm vậy 1 lần tại La Scala năm 1986, cũng với “Va pensiero”. “Vở opera cần phải được trình diễn xuyên suốt từ đầu đến cuối”, ông nói. “Tôi không muốn thực hiện encore. Trừ phi nó phải có một ý nghĩa đặc biệt nào đó.”

Tuy nhiên khán giả đã đánh thức lòng tự hào dân tộc của ông. Với một điệu bộ hơi khoa trương, vị Maestro vẫn ngồi trên bục, quay lại phía khán giả, và nói: “Vào 9 tháng 3 năm 1842, Nabucco chính là vở opera đã thúc giục những con người Ý đứng lên tiến hành cuộc cách mạng chống lại người Áo để dành lại tự do và độc lập. Tôi hi vọng buổi lễ kỉ niệm 150 năm ngày thống nhất nước Ý này, Nabucco sẽ không phải là bản hành khúc tang lễ cho nền văn hóa của chúng ta.”

Và Muti mời toàn bộ khán giả cùng hát với dàn hợp xướng. “Tôi nhìn thấy từng tốp người đứng dậy. Rồi cả khán phòng đều đứng dậy. Cả dàn hợp xướng cũng đứng hết lên. Đó là một khoảnh khắc thực sự màu nhiệm trong nhà hát”.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. 2 ngày sau đêm diễn, chính bộ trưởng Bộ Ngân Khố quốc gia đã đến gặp Muti, cùng nói chuyện với ông và tuyên bố rằng, chính phủ sẽ cố gắng tìm cách tháo gỡ những những vấn đề thực trạng của văn hóa Ý, cụ thể là hỗ trợ kinh phí để duy trì các hoạt động văn hóa, đặc biệt là nhà hát.

Đấy là chuyện ở nước Ý, còn hôm nay, mời các bạn nghe lại bản hợp xướng tuyệt đẹp này, bản hợp xướng từng được coi như bài Quốc ca không chính thức của người Ý, vào cái đêm diễn đầy xúc động hôm đó.
Hãy bay đi, trên đôi cánh vàng kia
những nghĩ suy không thể giam cầm được,
Về đậu lại dưới triền đồi thoải dốc,
nơi tỏa hương dịu ngọt, đất mẹ của ta.


Chào đôi bờ sông Jordan hiền hòa.
Chào những ngọn tháp Zion xưa cũ.
Ôi còn đâu , tổ quốc ta xinh đẹp rực rỡ.
Ôi kỉ niệm thân thương, tan nát trái tim.

Này đàn hạc của những vị tiên tri
sao ngươi không hát gì bên rặng liễu.
Hãy gọi ký ức trong lòng ta say ngủ
và nhắn nhủ, thời gian trôi qua rồi.

Ôi thành Jerusalem yêu mến của tôi
nghĩ về nó mà muốn òa lên khóc.
Xin Chúa trời ban cho con một khúc đồng vọng,
để đức hạnh chiến thắng mọi khổ đau.
(theo The Times)

Đừng hát nữa người đẹp ơi…

lina-mkrtchyan

Lina Mkrtchyan (Contralto)

Chúng ta đều biết mối quan hệ thân tình giữa “mặt trời thi ca Nga” – Puskin và “cha đẻ của âm nhạc cổ điển Nga” Glinka. Glinka từng viết nhiều bản romance cũng như opera dựa trên thơ của Puskin. Bản thân Puskin cũng từng có một số tác phẩm được gợi cảm hứng từ âm nhạc Glinka. Một trong số đó là bài thơ “Не пой, красавица, при мне” (Đừng hát, người đẹp ơi, khi có tôi).

Đừng hát nhé, người đẹp ơi, khi có tôi
Những bài ca Gruzia buồn bã,
Lời em hát khiến tôi nhớ quá
Quãng đời đã qua nơi bến bờ xa.

Lời em ca sao trở nên nghiệt ngã
Khi bắt tôi nhớ đến một thời
Trên thảo nguyên với những đêm trăng sáng,
Và nhạt nhoà mờ xa bóng một người.

Gặp em tôi tưởng như quên được,
Hình bóng thân yêu, số phận một thời,
Nhưng em hát và trước tôi lại hiện
Hình bóng xưa, làm sao quên, em ơi.

Đừng hát nhé, người đẹp ơi, khi có tôi
Những bài ca Gruzia buồn bã,
Lời em hát khiến tôi nhớ quá
Quãng đời đã qua nơi bến bờ xa.

(bản dịch thơ của chị Quỳnh Hương).

Trong một lần đến thăm Glinka, Puskin được nhà soạn nhạc chơi cho nghe giai điệu của một bài hát dân ca Gruzia. Bài hát này vốn Glinka thu thập được từ những bản dân ca mà nhà thơ A.Griboyedov mang về từ xứ Kavkaz. Cảm tác trước giai điệu buồn bã quyến rũ mang âm hưởng phương Đông lạ lẫm, Puskin đã viết bài thơ này, đề tặng cho Anna A.Olenina – con gái của một trí thức nổi tiếng đương thời và cũng là người thường xuyên biểu diễn những bản romance xinh xắn của Glinka tại tư gia của ông cho nhà thơ nghe.

Rất nhiều nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng đã phổ lại bà thơ này, trong đó có cả Glinka. Tuy nhiên phiên bản nổi tiếng nhất và thường xuyên được biểu diễn nhất lại là bản Romance op.04, No.04 của nhà soạn nhạc Lãng mạn S.Rachmaninov. Bản romance nằm trong tập “6 ca khúc trữ tình” op.04, một trong những sáng tác thời kì đầu, khi Rachmaninov vẫn còn đang theo học tại nhạc viên Mátx-cơ-va, và được đề tặng cho cô em gái họ Natalia Satina, người sau này cũng trở thành vợ ông.

Đưới dây là phần thể hiện của giọng contralto thính phòng xuất sắc người Nga gốc Ucraina, Lina Mkrtchyan. Giống như các giọng mezzo, contralto Đông Âu nổi tiếng thế hệ trước, Lina sở hữu một giọng nữ trầm quý hiếm, hùng vĩ, tôn nghiêm như tiếng đàn organ, mang màu sắc sử thi lồng lộng, gần như phù hợp hoàn hảo với các tác phẩm âm nhạc tôn giáo. Với 17 năm đào tạo tại những nhạc viện tên tuổi nhất của Nga (Gnesin, Tchaikovsky,…), không chỉ có giọng hát với âm sắc đẹp bẩm sinh, nhạc cảm xuất sắc, Lina còn sở hữu một nền móng kĩ thuật vô cùng chắc chắn, cô luôn năm trong số những giọng contralto tài năng nhất của Nga thế hệ này.

Lina tập trung cho sự nghiệp hát thính phòng (chủ yếu là Romanca Nga và âm nhạc tôn giáo), cô hầu như không tham gia biểu diễn opera, cũng không nhận được sự lăng xê, chăm bẵm của những hãng đĩa lớn nên không nhiều người hâm mộ biết đến cô. Tuy vậy, các bản thu âm của cô luôn được giới phê bình đón nhận và dành tặng những lời khen ưu ái. Cô là người Nga đầu tiên được hát tại Vatican và cũng là người nước ngoài duy nhất được mời tham gia biểu diễn tại festival âm nhạc quốc gia danh tiếng của Đức, Shubertiana.

Hãy quay về và say đắm em trở lại

Prohaska-Anna-11[Monika_Rittershaus]

Anna Prohaska (1983)

Năm 1960, sau buổi diễn thành công vang dội trong vở Alcina của Handel tại nhà hát La Fenice – nhà hát từng phong tặng danh hiệu La Divina cho Maria Callas, giọng coloratura soprano xuất sắc nhất của thế kỉ XX Joan Sutherland đã được khán giả của nhà hát này xưng tụng là “La Stupenda” (Tuyệt diệu) và kể từ đấy cái tên này gắn bó với sự nghiệp của bà cho đến tận cuối đời.

Alcina kể về nữ pháp sư quyền phép và ngạo mạn đã phải chịu thất bại trước sức mạnh của tình yêu chân chính. Thực ra nội dung của vở opera này hơi lằng nhằng và ngớ ngẩn (với cá nhân ad) không dễ tiếp nhận lắm đối với khán giả hiện đại, tuy nhiên, giống như rất nhiều kiệt tác khác của Handel, Alcina có không ít những aria với giai điệu vô cùng hấp dẫn. Trước thập niên 60, Alcina vốn không phải là kịch mục phổ biến, nhưng đến nay đã có hàng chục phiên bản dàn dựng và ghi âm studio khác nhau và trở thành một trong những vở opera được biết đến nhiều nhất của Handel.

Vai thứ chính Morgana (em gái của pháp sư Alcina) có một aria rất đáng yêu là “Tornami a vagheggiar”. Joan Sutherland cực kỳ thích aria này, nên bà đã yêu cầu chồng mình, maestro R.Bonynge chuyển nó cho vai chính Alcina để mình được biểu diễn, ngay sau đó nó trở thành một trong những trích đoạn để đời của La stupenda và cũng là một trong những phần thể hiện xuất sắc nhất của aria này đến nay. (Tuy vậy phần lớn những dàn dựng sau này đều trả nó về cho nguyên bản cho Morgana)

Bạn hoàn toàn có thể search lại bản thu âm studio hoàn hảo không tì vết của Joan trên youtube, tuy nhiên hôm nay mình muốn giới thiệu phiên bản khác không hề thua kém, phiên bản của giọng soprano Đức (gốc Áo) trẻ đang lên Anna Prohaska. Anna có giọng màu sắc trữ tình khá đẹp với màu âm khác biệt, tuy âm lượng vừa phải, nhưng chính điều đó lại khiến cô trở nên rất hợp với Mozart và âm nhạc baroque. (Hãy nhớ rằng các nhà hát thời kì cổ điển trở về trước có khối tích tương đối nhỏ và dàn nhạc cũng không quá đồ sộ). Cách hát trơ, ít rung cộng với phần biến tấu và cadenza cực kỳ tinh tế ở phần “Da capo” của Anna khiến nó trở nên vô cùng tươi mát, nhẹ nhõm và thú vị.

“Tornami a vagheggiar” vốn được Handel phát triển từ môt aria được viết từ hồi ông còn trẻ, trước Alcina hơn 20 năm, trích trong bản catata “O Come chiare e belle”sáng tác từ năm 1708. Khi bắt đầu hoàn thiện Alcina, ông đã tái sử dụng và sửa chữa lại aria này. Aria nằm ở cuối màn I, khi Morgana, em gái của nữ pháp sư Alcina, thể hiện tình cảm mình với hiệp sĩ Ricciardo, một người nữ giả trang mà Morgana không hề biết. Ricciardo thực chất chính là Bradamante, vị hôn thê của Ruggiero – người đang bị mê hoặc bởi phép thuật và sắc đẹp của Alcina, cô tìm đến hang ổ của chị em Alcina để tìm cách giải cứu cho người mình yêu.

Ngay từ khi được biểu diễn lần đầu tiên, bởi giọng soprano Anh nổi tiếng đương thời – Cecilia Young, “Tornami a vaghegiar” đã rất được khán giả yêu thích. Johann Mattheson, một người bạn Handel, từng mô tả nó là “rất dễ chịu” và “tươi tắn”, với những chuỗi note nhạc melisma nối tiếp nhau cứ bay lên cao dần. Giống như kết cấu của phần lớn các “Aria da capo” thời kì baroque (“Da capo” tiếng Ý có nghĩa là “quay trở lại từ đầu”), “Tornami a vagheggiar” gồm 3 phần: phần đầu giới thiệu giai điệu chính, phần thứ 2 là chuyển điệu, và phần ba – “da capo” (nhắc lại phần đầu), tuy nhiên nó không được “nhắc lại” một các thông thường mà sẽ được các nghệ sỹ virtouso thêm vào nhiều biến tấu, các note trang trí hoa mĩ và các cadenza độc đáo riêng để phô diễn khả năng thanh nhạc, thẩm mĩ và kĩ thuật cá nhân của mỗi người.

Thứ tôi cần chẳng có ở đây…

kurzak_aleksandra10217091_grzegorz_jakubowski

Aleksandra Kurzak (1977)

Trong một bức thư gửi bạn chỉ 2 năm trước khi qua đời, Chopin viết: “Nghệ thuật tôi đã trở thành cái thứ gì thế này? Và trái tim của tôi, tôi đã hoài phí nó ở nơi đâu rồi? Tôi còn chẳng thể nhớ nổi những bài ca mà người ta vẫn thường hát tại quê hương mình nữa…”

Dù phần lớn thời gian sau này sống ở nước ngoài cùng với bao nhiêu vinh quang và đau đớn đã nếm trải, trái tim Chopin vẫn luôn đau đáu hướng về Ba Lan – mảnh đất quê hương của ông, nơi ông sinh ra, lớn lên và trảiqua những thời khắc êm đềm, tươi đẹp nhất.

Không khó có thể nhận ra những cảm hứng từ mạch nguồn văn hóa và âm nhạc dân gian Ba Lan trong các tác phẩm của Chopin, đặc biệt là những ca khúc trữ tình xinh xắn mà ông sáng tác bên cạnh những tuyệt phẩm nổi tiếng viết cho piano.

Tất cả các ca khúc của Chopin đều phổ từ thơ Ba Lan và sau này được nhóm thành tập opus 74. Phần lớn các ca khúc của ông thường rất ngắn, đơn giản và phảng phất nét giai điệu u buồn của những bài Dumka xưa cũ mà Chopin hay được nghe từ nhỏ.

Dưới đây là bài “Nie ma czego trzeba” (Thứ tôi cần không có ở đây) op.74, no.13 với phần thể hiện của giọng colortatura soprano đang lên người Ba Lan, Aleksandra Kurzak. Tác phẩm được viết năm 1845, vào cuối sự nghiệp của Chopin, khi ông vừa chia tay nữ văn sĩ George Sand và đang trong tình trạng khó khăn kể cả về tài chính lẫn sức khỏe.

Bản thu âm này được thực hiện năm 2009 trước khi A.Kurzak được lăng xê bởi hãng ghi âm danh tiếng Decca, tuy vậy địa nhạc này được khá nhiều nhà phê bình khen ngợi và từng thắng giải “Diapason d’Or”.

Dimitrova – a true dramatic voice 2

12507218_422236827974494_4967922901784571733_n

Ghena Dimitrova (1941-2005)

Khi đã hoàn toàn rời xa ánh đèn sân khấu vào cuối thập niên 70, Primadonna nổi tiếng Renata Tebaldi từng cay đắng nhận xét về lứa nghệ sỹ trẻ đương thời – lứa nghệ sỹ mà bà chỉ còn đặt niềm tin vào riêng mỗi Montserrat Caballe và Placido Domingo: “Những giọng hát lớn ngày nay đi đâu hết cả rồi? Giờ chỉ còn toàn là những tiếng muỗi vo ve tin hin quanh đây thôi. Chúng tôi – Milanov, Nilsson, del Monaco, Corelli, và rất nhiều người khác nữa – từng phải mất đi ba-bốn ký lô sau mỗi đêm diễn, áp lực căng thẳng đến từ công việc của chúng tôi mang lại là vô cùng khắc nghiệt! Đó là máu của chúng tôi trao cho khán giả…”.

Những giọng hát lớn đâu? khi mà Freni phải hát Aida, Elisabetta, khi mà Caballe phải hát Turandot, và Renatta Scotto thì cáng đáng từ Gioconda đến …Abigaille – những vai diễn mà ngay cả một giọng spinto Verdian thuần chủng như Tebaldi còn đắn đo cân nhắc hoặc thậm chí chả dám động vào. Chúng ta đều biết rằng những giọng kịch tính kiểu Ý hoàn toàn khác những âm thanh gai góc, sắc cạnh của các giọng Wagnerian. Thập niên 80 phần lớn các giọng kịch tính đều chuyển sang hát Wagner, R.Strauss, trong khi các kịch mục Verdi thì bị ném sang cho những giọng trữ tình hạng nhẹ. Do thẩm mỹ của khán giả đổi chiều? Do sở thích mới của một bộ phận các Maestro trẻ tuổi? Do guồng quay khắc nghiệt của nền công nghiệp biểu diễn? Hay do tất cả? Dường như chỉ còn một người gác đền duy nhất sót lại – Ghena Dimitrova – người vẫn cực đoan giữ gìn truyền thống của những giọng Verdi, Verismo kịch tính lừng lẫy trước đây như G.Cigna, M.Caniglia hay A.Cerquetti.

Tốt nghiệp nhạc viện quốc gia Sofia, Bulgaria, cùng với việc thắng giải một cuộc thi thanh nhạc uy tín trong nước đã mang lại cho Dimitrova cơ hội được tu nghiệp tai thánh đường La Scala của Milan – nơi bà được thụ giáo với giọng Verdian soprano nổi tiếng một thời Gina Cigna. Giọng hát khổng lồ bẩm sinh và âm sắc có phần góc cạnh thô ráp kiểu Đông Âu, sau quá trình rèn rũa trở nên tròn đầy hơn, ấm mượt hơn và (như lời chính Dimitrova là) Ý hơn mà không hề mất đi sức mạnh tự nhiên vốn có. Một giọng kịch tính hoàn hảo cho các kịch mục hạng năng của Verdi hay Puccini.

Nhưng Dimitrova vẫn chỉ nằm chờ thời ở La Scala hàng năm trời mà không nhận được lời mời chính thức nào để được xuất hiện tại nhà hát danh tiếng này. Chỉ đến tận khi Anna Tomowa-Sintow (giọng soprano Bulgaria đồng môn tại nhạc viện Sofia, người mà Dimitrova không mấy nể trọng tài năng) hát tại đây bà mới được La Scala mới hát … đúp 2. Dĩ nhiên là Dimitrova từ chối. Khác với Anna may mắn được Maestro Karajan đỡ đầu nên có một sự nghiệp vô cùng thuận lợi, Dimitrova gặp rất nhiều trở ngại lúc khởi đầu, dù giọng hát ấn tượng và tài năng có thừa.

Với muôn vàn khó khăn về quan hệ với giới biểu diễn, ông bầu, người đại diện và đặc biệt là visa (Bulgaria hồi đấy còn thuộc phe Đông – Cộng Sản trong khi dù lập nghiệp tại Áo, Dimitrova vẫn là nghệ sỹ quốc doanh ăn lương nhà nước và vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền trong nước), trong suốt thập niên 70, Dimitrova lăn lộn khắp các nhà hát Châu Âu nhưng hầu như không gây dựng được tên tuổi gì đáng kể và hoàn toàn vô danh tại Mỹ. Điều đấy một phần làm nên cá tính nghệ sỹ của bà sau này, bảo thủ, xa cách , kiêu hãnh và phần nào trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn ít nhiều tổn thương vì năng lực bản thân không được ghi nhận.

Tất nhiên trời cũng chẳng phụ người tài, đến đầu thập niên 80, bước vào tuổi 40 , Dimitrova bắt đầu được chú ý, đặc biệt từ vai diễn dường như viết riêng cho giọng hát bà – Abigaile tại Berlin, Đức, vai diễn mà Dimitrova đã dám biểu diễn tại quê nhà khi mới tốt nghiệp nhạc viện ở tuổi 25. Ngay sau đó, Dimitrova liên tiếp xuất hiện trong nhiều nhà hát và sân khấu hạng top ở Châu Âu . Năm 1983, Dimitrova tiếp túc chinh phục tới khán giả Mỹ. Sự xuất hiện trong một concert tại Carnegie Hall, New York của bà đã gây chấn động với giới phê bình Mỹ, khi lâu lắm rồi khán giả Mỹ mới được chứng kiến một giọng Kịch tính thuần chất kiểu Ý như vậy. Giọng hát chắc khỏe với âm lượng khác thường được so sánh với Nilsson, Flagstad huyền thoại của Dimitrova làm lu mờ cả những giọng kịch tính đang rất được yêu thích lúc bây giờ là Eva Marton hay Hildegard Behren .

Thế nhưng giống như phần lớn các giọng hát cỡ lớn, ưu điểm của Dimitrova cũng chính là nhược điểm của bà. Mặc dù lấp đầy âm thanh bất cứ khối tích sân khấu khổng lồ nào, nhưng giọng hát bà dường như không có duyên với chiếc micro ghi âm. Khi thực hiện bản thu âm nổi tiếng Nabucco cho hãng DG với vai diễn là thương hiệu của mình – Abigaile, các kĩ sư âm thanh đã yêu cầu bà phải lùi lại phía sau mic vài feet. Ngoài Nabucco, Dimitrova có rất rất ít bản ghi âm studio ấn tượng. Giọng hát của bà trở nên sắc lạnh, xa vời và thiếu lửa trong hầu hết các recital album phòng thu.

Một điểm rất hạn chế khác là Dimitrova khá bảo thủ và nhất quyết không chịu mở rộng kịch mục. Dù được rất nhiều Maestro tên tuổi như Karajan, Muti, Mehta,.., đánh giá cao, Dimitrova chỉ trung thành với những kịch mục thế mạnh ít ỏi của mình trong opera Verdi và Verismo. Điều này trái ngược hẳn với Eva Marton, giọng soprano kịch tính tài năng cùng thời, người chấp nhận thử thách mình ở cả Richard Strauss, Wagner thậm chí là Korngold, Bartok, Schoenberg,…

Thật là khó khăn khi lựa chọn một bản thu âm điển hình của Dimitrova vì tất cả đều ít nhiều không hoàn hảo, mình đã quyết định giới thiệu và làm phụ đề ở đây aria nổi tiếng của Turandot – một trong những vai diễn đem lại danh tiếng cho Dimitrova – aria: “In questa reggia” trích trong recital album hiếm hoi được thực hiện cho hãng EMI năm 1980. Nhận xét về vai diễn đáng sợ này, Dimitrova cho rằng: ”Puccini đã chạm đến giới hạn của mọi khả năng thanh nhạc. Nó không hề là vai diễn yêu thích của tôi. Tôi cố không hát nó với một cơn cuồng nộ đầy khinh miệt như cách thể hiện của một số soprano khác mà thiên về một khí chất có phần hơi thất thường đồng bóng. Khi trong vai Turandot, quyền lực của tôi ở trên tất thảy mọi người. Là một vị công chúa uy quyền, tôi có thể làm tất cả những gì tôi thích.”
—————
Bối cảnh:
Vì bị ám ảnh bởi cái chết của tổ mẫu năm xưa gây ra bởi quân xâm lược Tarta, công chúa Trung Hoa Turandot kiều diễm bị đắm chìm trong lòng hận thù và căm ghét đàn ông đến ghê tởm. Khi vào tuổi cập kê, nàng công chúa băng giá mở một cuộc thi kén chồng với một quy định vô cùng khắc nghiêt: Bất cứ hoàng tử nào muốn cưới nàng làm vợ phải trả lời 3 câu đố của nàng. Nếu giải đúng nàng sẽ chấp nhận thành thân, còn nếu trả lời sai, họ sẽ phải bị bươu đầu trước cổng thành. Nhiều hoàng tử ngưỡng mộ sắc đẹp của Turandot đã đến thử vận may và cuối cùng đều phải nhận kết cục thảm khốc. Rồi một hôm tại kinh thành bỗng xuất hiện một hoàng tử lạ mặt. Chàng là Calaf con vua Tarta lưu lạc tới đây. Một lần vô tình trông thấy Turandot, Calaf lập tức bị mê hoặc bởi nhan sắc khuynh thành của nàng và liều lĩnh tham gia giải đố bất chấp sự can ngăn của mọi người.

Trước khi đưa ra 3 câu đố, Turandot xuất hiện, kể về nỗi ám ảnh năm xưa và cảnh báo trước về cái chết nhãn tiền với chàng hoàng tử bạo gan si tình…
————–
Không thể chê Dimitrova ở một điểm gì trong Turandot, ngoại trừ việc kích cỡ giọng hát của bà dường như khiến bà trở nên lạc quẻ với bất cứ tenor hát chung nào trong đoạn duet Đô cao “Gli enigmi sono tre, la morte una/Gli enigmi sono tre, una è la vita!” (3 câu đố-một cái chết / 3 câu đố – một cuộc đời), bởi vì giọng hát nào cũng dễ dàng bị đè bẹp bởi cơn lốc âm thanh kinh hoàng ấy. Khi viết aria này, có lẽ Puccini trông đợi một sự cân bằng giữa 2 giọng hát hơn là sự vượt trội của ai đó vì đây không phải là trận đấu của các note Đô cao, nó là trận đấu của Tình yêu và Lòng Hận thù. Dimitrova có thể thất bại khi khắc họa một Turandot nằm trong tổng thể vở opera của Puccini, nhưng nhìn nhận riêng rẽ và độc lập, khó có giọng soprano nào trong lịch sử ghi âm có thể vượt qua bà trong vai diễn này, kể cả Nilsson hay E. Turner.

Rigoletto – quartet: “Bella figlia dell’amore”

12222.jpg

Những bản hợp ca là một điểm khác biệt khá độc đáo, xét từ góc độ sân khấu giữa opera và kịch nói. Khi một bản hợp ca cất lên, các nhân vật có khả năng thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc cá nhân tại cùng một thời điểm. Đây là điều rất khó xảy ra với kịch nói. Chính Victor Hugo đã phát hiện ra điểm lý thú này và khen ngợi hết mực tài năng của Verdi ngay sau khi xem xong vở Rigoletto (kịch bản dựa trên chính vở kịch “Le roi s’amuse” – “Trò tiêu khiển của nhà vua” của Hugo).

Có lẽ Hugo đã nói về bản quartet (hợp ca 4 người) “Bella figlia dell’amore”, một trong những quartet nổi tiếng nhất trong opera. Bối cảnh như sau: Gã Công tước sở khanh buông lời ong bướm ngay khi gặp ả gái giang hồ Maddalena gợi tình, nóng bỏng. Maddalena tỏ ra là một cô nàng từng trải, nửa như hờ hững, bông đùa, nửa như mời gọi, lả lơi. Ở một góc khuất, hai cha con Rigoletto trân trối nhìn cảnh vẽ vãn vờn đuổi lố bịch này. Gilda trong trắng ngây thơ hồi tưởng lại những lời tình đường mật y chang mà gã Công tước đã tán tính cô trước kia, trong lòng dâng lên bao nỗi niềm cay đắng, bẽ bàng. Lão hề gù Rigoletto vừa dịu dàng vỗ về an ủi con gái vừa cố gắng kìm nén lòng căm hận và khát khao muốn tên đểu cáng phải bị trả giá xứng đáng… Một quartet ngắn rất xuất sắc và đầy kịch tính.

Maddalena là một nhân vật mezzo phản diện điển hình (sexy, ma mãnh, thủ đoạn) khá thú vị, nhưng rất tiếc, Verdi lại không tập trung khắc họa đậm nét và dành cho nhật vật này những aria quan trọng. Phần âm nhạc ấn tượng nhất cho Maddalena chính là trong quartet “Bella figlia dell’amore”, khi những tiếng cười khanh khách mỉa mai của ả như quấn quít với bản serenade của gã Công tước đàng điếm.

“Trong số những nhà soạn nhạc, kể cả trước đây hay bây giờ, tôi là người ít được học hành nhất. Ý tôi ở đây là ít được học hành một cách bài bản, chứ tôi không nói về kiến thức âm nhạc.” Verdi đã thú nhận một cách đấy tự tin như vậy về bản thân mình. Thực tế, Verdi đã học hỏi rất nhiều từ những nhà soạn nhạc trước mình như Bellini, Rossini và đặc biệt là Donizetti – những người đã thiết lập nên trường phái Opera Belcanto lừng danh đầu thế kỉ XIX.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những tác phẩm thời kì đầu và thời kì sau này đó là sự gắn kết giữa tính kịch sân khấu, tính cách, cảm xúc nhân vật với âm nhạc đã trở nên cực kì khăng khít, thuần thục. Đến những tác phẩm thời kì cuối, ông đã gần như dứt ra khỏi sự ảnh hưởng của Bel canto và tạo cho mình 1 phong cách độc lập hoàn toàn.

Rigoletto không chỉ nằm trong số những kiệt tác bất hủ của Verdi mà nó có thể coi là cột mốc ranh giới mở ra thời kỳ sáng tác thứ 2 của nhà soạn nhạc opera vĩ đại người Ý – thời kỳ mà ông đã tự tìm ra phong cách riêng, con đường riêng cho mình. Phần thể hiện “Bella figlia dell’amore” dưới đây trong một production “đội hình toàn sao” năm 2006 với sự tham gia của giọng coloratura soprano tài năng người Rumania – Elena Moșuc, giọng tenor trẻ đang lên người Ba Lan – Piotr Beczała và đặc biệt là một trong những Rigoletto nổi bật nhất của thế hệ này, Leo Nucci.

Winterreise – Der Leiermann

Quasthoff-Thomas-11

Thomas Quasthoff (1959)

Schubert bắt đầu bắt tay vào sáng tác “Winterreise” – D911 (Hành trình mùa đông) từ năm 1827 và hoàn thành nó chỉ vài tháng trước khi ông qua đời vào tháng 11 năm 1828. Nửa sau của tập liên khúc phổ từ 24 bài thơ của Wilhelm Müller này, thậm chí chỉ được xuất bản sau khi Schubert đã ra đi. “Winterreise” được coi như một trong những tác phẩm đỉnh cao không gì so sánh trong gia tài Lied khổng lồ với hơn 600 ca khúc nghệ thuật của Schubert.

“Winterreise” không chỉ cho thấy tài năng của Schubert trong nghệ thuật sáng tác ca khúc, với những giai điệu đẹp, có sức khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, mà nó còn mở ra cánh cửa thế giới nội tâm bên trong chính Schubert, như lời quả quyết của chính ông “Chúng đã gây xúc động với tôi hơn bất cứ Lied nào mà tôi từng sáng tác.”.

Schubert đã bắt đầu viết “Winterreise” trong khoảng thời gian tương đối khó khăn với một tâm trạng đầy u ám. Trước biểu hiện không bình thường dễ nhận thấy, một người bạn thân của Schubert khi ấy tỏ ra rất lo lắng liền hỏi han xem ông có vấn đề gì muốn được chia sẻ không. Đáp lại, Schubert giới thiệu về tập liên khúc đang thai nghén của mình và úp mở rằng: “Anh sẽ sớm được nghe nó và sẽ hiểu ngay thôi…”

“Winterreise” kể về cuộc hành trình trong mùa đông của một cậu thanh niên trẻ tuổi. Anh từng gặp gỡ, yêu và có hẹn ước với một người con gái xinh đẹp trong những ngày tháng 5 mùa xuân ấm áp. Nhưng cô gái phụ bạc tình cảm của anh để cưới một người đàn ông giàu có. Chàng trai lặng lẽ ra đi trong tâm trạng buồn bã chán chường, cùng những chăn trở, suy tuy về tình yêu và người con gái anh đã từng yêu. Anh cứ lang thang vô định mãi trên con đường mùa đông lạnh lẽo…

Dưới đây là bài cuối cùng, No.24: “Der Leiermann” (Người chơi đàn quay), cũng là bản Lied yêu thích nhất của mình trong “Winterreise”, với phần thể hiện đầy ám ảnh của giọng bass-baritone người Đức tài năng – Thomas Quasthoff – một trong những ca sĩ thính phòng hàng đầu của thế hệ. Tuy không nằm trong số những người hát Schubert yêu thích nhất của mình, nhưng giọng hát đặc biệt của ông, lối thể hiện chuẩn mực, thâm sâu, chi tiết gợi nhớ đến “Master of Lied” – Fischer-Dieskau, nhưng vẫn lấp lánh những xúc cảm rất tinh tế – điều thiếu vắng ở ngay cả những vị tiền bối bậc thầy, luôn khiến mình nhìn thấy những vẻ đẹp mới từ những bản Lied quen thuộc.

Wagnerian soprano Astrid Varnay

22

Astrid Varnay (1918-2006)

“…Tôi muốn đưa ra một ví dụ về việc đặt cạnh nhau giữa 2 kiểu nhân vật nữ của Wagner: Elsa và Ortrud trong vở opera “Lohengrin”. Elsa cần phải được bảo vệ bởi ai đó và cô ấy không đủ tự chủ để có thể tự giải cứu chính mình. Nhân vật nữ đối đầu của cô ấy, Ortrud, thì ngược lại, tất cả đều nằm trong tầm tay của bà ta, bà ta sử dụng trí thông minh sắc sảo của mình để chiếm đoạt lợi thế. Có gì đó cực kỳ đàn ông trong sự sùng kính một lòng với niềm tin tôn giáo và cái tham vọng bá quyền của bà ấy, nhưng dĩ nhiên bà ấy cũng thừa sự gợi cảm rất đàn bà đủ để có thể mê hoặc dẫn dụ được một Telramund đứng đắn nghiêm nghị cùng chung mục đích với bà ta.

Quan điểm cá nhân của tôi, khắc họa Ortrud là một phù thủy đơn thuần hoàn toàn không đúng. Cách thể hiện đấy không thể đi sâu vào bản chất cốt lõi bên trong tính cách nhân vật. Thực chất Ortrud sùng kính với đức tin của bà ấy cũng giống như Lohengrin với tôn giáo của anh ta, và ma thuật mà bà ta thực hiện là một phần thuộc về đức tin tôn giáo của bà ấy. Ortrud là người sót lại cuối cùng của một triều đại vương quyền đã từng kiểm soát vùng đất đó. Bà ta quyết giành lại được quyền lực cai trị vốn thuộc về bà ta và xác lập lại tín ngưỡng đã từng bị vùi lấp hàng thế kỷ tại nơi này. Tôi cảm nhận bà ta là một người đàn bà độc lập và hãnh tiến, nhưng lại là người mà, trong giai đoạn đầu Trung Cổ, vốn được trao rất ít quyền lực, cũng không được phép đưa ra yêu sách hay được hành động giống như một đấu sĩ. Đó là lý do vì sao bà ấy cần một người đàn ông mạnh mẽ – người mà bà ta có thể dùng trí thông minh tuyệt đỉnh và sự quyến rũ chết người của mình để điều khiển theo cách bà ấy muốn, với hi vọng sau rốt là có thể thiết lập lại sự hưng thịnh tín ngưỡng truyền thống cũng như cái dòng dõi thế gia của bà ta. Tất cả những hành động của bà ấy đều có thể bao biện được trừ một việc: là âm mưu hủy diệt sự sống loài người. Đó cũng chính là nơi bà ta gieo cái mầm mống hủy diệt chính mình.

Đối với tôi, vở opera Lohengrin giải quyết cuộc đối đầu giữa hai loại tín ngưỡng: “Công giáo” (Lohengrin) với “Đa thần giáo” (Ortrud), và hai thuộc tính: “Lệ thuộc” (Elsa) và “Độc lập” (cũng lại Ortrud). Hai mối xung đột ấy phải được thể hiện một cách chân thực…”
– Soprano Astrid Varnay.

——————————————————–

Lohengrin là một trong những thành công rõ nét đầu tiên của Wagner. Trong đêm công diễn lần đầu của vở opera này tại Ý, Verdi đã tỏ ra cực kỳ ấn tượng và ông lập tức yêu cầu ngay một bản tổng phổ của tác phẩm để đem về nghiên cứu.

Cốt truyện của Lohengrin dựa trên một tích truyện khá phổ biến trong văn hóa Đức, kể về chàng hiệp sỹ Lohengrin.
————-
Antwep, thời kì trung cổ, cả công quốc đang rất rối ren khi Công tước trẻ tuổi Gottfried von Brabant, người kế tự của dòng họ Brabant đột nhiên mất tích, trong khi quân Hungary chuẩn bị động binh xâm lược. Bá tước Telramund vội tung ra lời đồn quận chúa Elsa đã ám hại người em trai của mình hòng độc chiếm quyền cai quản công quốc. Khi mọi con mắt nghi ngờ đang dổ dồn vào cô gái tội nghiệp thì một chàng hiệp sĩ bí ẩn bất ngờ xuất hiện trên chiếc thuyền được kéo bới một con thiên nga. Chàng hiệp sỹ ngỏ lời cầu hôn Elsa và muốn giúp đỡ mọi người thoát khỏi tình trạng nguy kịch, nhưng chỉ với một điều kiện là không được phép hỏi đến danh tính của chàng. Elsa từng mơ thấy người anh hùng đên giải cứu mình và không ngờ giấc mơ ấy đã thành hiện thực, nàng đồng ý không chút ngại ngần.

Nhận thấy âm mưu hãm hại Elsa để tiếm quyền cai quản công quốc thất bại, Telramund vô cùng tức giận. Ortrud, vợ hắn, vốn là một phù thủy dị giáo đầy quỷ quyệt, liền tìm cách giúp đỡ chồng, mụ kích động Elsa phải tìm hiểu nguồn gốc người chồng hiệp sĩ bí ẩn bằng được. Elsa thơ ngây, trót nghe lời xúi bẩy của Ortrud, nằng nặc đòi chồng phải nói ra thân phận của mình. Chàng hiệp sĩ dù hết sức cố gắng cảnh báo vợ nhưng không thể ngăn nổi sự tò mò cố chấp của nàng.

Buồn phiền vì vợ không tôn trọng lời hứa, chàng Hiệp sĩ quyết định gọi mọi người tới và bộc lộ danh tính thực sự. Chàng là hiệp sỹ Chén Thánh Lohengrin, con của Parsifal, xuống trần để giúp đỡ Elsa và công quốc, nhưng chàng sẽ buộc phải trở về nhà nếu tự tiết lộ thân phận. Nói rồi chàng từ biệt Elsa và mọi người, quay lại chiếc thuyền thiên nga kéo. Elsa chưa kịp hết đau đớn vì sai lầm trót gây ra, thì Ortrud bất ngờ đến bên và nói ra sự thật, rằng chính con thiên nga kéo xe kia là Công tước Gottfried do mụ phù phép hóa thành và giờ thì không ai còn có thể giúp nàng nữa…
————
“Fahr heim! Fahr heim, du stolzer Helde” – Những lời nguyền rủa cay độc và đầy hả hê của Ortrud trước sự bàng hoàng kinh hãi của Elsa và mọi người, là một trong những aria đầy thách thức đối với tất cả những ca sĩ Wagnerian kịch tính. Aria sở hữu những note cao fortissimo dồn dập xuyên cắt dàn nhạc cuồng bạo, đầy kích động như một cơn bão tố điên loạn, chính bởi vậy mà mặc dù chỉ là vai thứ, nhưng một ca sĩ thể hiện Ortrud xuất sắc hoàn toàn có thể cướp đi hào quang của vai nữ chính Elsa và điều đấy đã xảy ra không ít lần.

Nguyên bản Ortrud được viết cho một giọng mezzo kịch tính có âm vực cao (tiền thân của loại giọng Wagnerian soprano sau này) và một trong những ca sĩ đầu tiên thành công với Ortrud chính là Johanna Wagner, cháu ruột của Wagner (bà cũng đồng thời cũng là người được Wagner ngắm đến cho Brunhilde – một trong những vai Wagnerian quan trọng nhất). Với đòi hỏi khắc nghiệt của tổng phổ, Ortrud thậm chí có thể coi là những Turandot hay Abigaille dành cho giọng Mezzo-soprano. Trong thực tế, cũng không nhiều mezzo nhận vai này mà nó thường được giao cho những giọng soprano kịch tính kiểu Wagner. Và một trong những Ortrud ấn tượng nhất trong lịch sử ghi âm chính là Astrid Varnay.

Với rất nhiều người Birgit Nilsson là Wagnerian soprano xuất sắc nhất nửa sau thế kỉ XX, nhưng với những người thực sự yêu thích Wagner thì Birgit Nilsson chưa chắc đã vượt qua được “người cùng thời”, Astrid Varnay. Birgit Nilsson sở hữu một giọng hát quá khác biệt, vô tiền khoáng hậu với những note Đô cao sáng rực, bùng nổ, hùng vĩ và khả năng cắt xuyên ấn tượng – điều đó khiến cho đến tận bây giờ, khó ai có thể vượt qua Nilsson trong vai nữ chiến thần Brunhilde (với cá nhân Ad). Nhưng Varnay thì khác, Varnay chạm sâu vào nhân vật hơn, bám sát kịch tính của Wagner hơn, và kích cỡ khổng lồ của giọng hát cũng không hề kém cạnh (Varnay có lẽ chỉ chịu thua Nilsson ở các note cao mà thôi).

Astrid Varnay là hiện thân toàn vẹn nhất của một giọng Wagnerian soprano thuần chất điển hình, là người kế vị thực sự của Kirsten Flagstad. Chính Kirsten Flagstad sau khi chứng kiến tận mắt khả năng hát và diễn xuất của Varnay tại Met đã tiến cử giọng soprano trẻ thay cho mình tới W.Wagner (cháu nội Wagner, người trực tiếp điều hành Bayreuth Festspielhaus – nhà hát do Wagner xây dựng đồng thời cũng là thánh đường của mọi ca sĩ Wagnerian). Tất nhiên Nilsson với giọng hát dị biệt luôn là một cơn gió mới gây sốc tại Bayreuth, nhưng Varnay (cùng với M.Mödl) mới là những nữ hoàng thực sự của nhà hát danh tiếng này. W. Wagner từng phải thốt lên rằng :”Sao lại phải cần thêm đạo cụ cây cối trên sân khấu khi chúng ta đã có Astrid Varnay ở đây rồi”,

Dù là đối thủ sở hữu chung nhiều kịch mục, nhưng Nilsson và Varnay lại luôn là những người bạn đồng nghiệp thân thiết với nhau (Nilsson và Varnay đều là người Thụy Điển và được sinh ra tại đây, dù cha mẹ Varnay là người gốc Hungary). Hai giọng Wagnerian soprano kỳ cựu rất mực nể trọng nhau và không ít lần dành cho nhau những lời nhận xét ưu ái. Nếu như Varnay thừa nhận Turandot của Nilsson là ưu tú nhất trong thời của mình, thì Nilsson sau khi hát vai chính Elsa trong Lohengrin với Varnay (Ortrud), đã chủ động loại bỏ Ortrud trong kịch mục biểu diễn vì cho rằng không thể nào vượt qua được Varnay. Bản thân Varnay cũng tự tin cho rằng Ortrud (cùng Elektra) thực sự là vai diễn để đời của bà.

Có đến gần chục bản thu âm Varnay hát Ortrud trên thị trường, nhưng bản thu âm nào cũng có thể thấy Varnay cũng luôn giữ được chất lửa kịch tính và nguồn năng lượng dồi dào vô tận của mình. Dưới đây là bản live năm 1962 tại Bayreuth Festspielhaus trong thời kỳ cuối sự nghiệp Wagnerian của Varnay (từ sau thập niên 1960, Varnay dần chuyển dần sang các kịch mục cho mezzo-soprano vì một số bất ổn ở note cao), nhưng có thể thấy sức căng mãnh liệt của giọng hát hầu như không có dấu hiệu suy giảm.