Rigoletto – quartet: “Bella figlia dell’amore”

12222.jpg

Những bản hợp ca là một điểm khác biệt khá độc đáo, xét từ góc độ sân khấu giữa opera và kịch nói. Khi một bản hợp ca cất lên, các nhân vật có khả năng thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc cá nhân tại cùng một thời điểm. Đây là điều rất khó xảy ra với kịch nói. Chính Victor Hugo đã phát hiện ra điểm lý thú này và khen ngợi hết mực tài năng của Verdi ngay sau khi xem xong vở Rigoletto (kịch bản dựa trên chính vở kịch “Le roi s’amuse” – “Trò tiêu khiển của nhà vua” của Hugo).

Có lẽ Hugo đã nói về bản quartet (hợp ca 4 người) “Bella figlia dell’amore”, một trong những quartet nổi tiếng nhất trong opera. Bối cảnh như sau: Gã Công tước sở khanh buông lời ong bướm ngay khi gặp ả gái giang hồ Maddalena gợi tình, nóng bỏng. Maddalena tỏ ra là một cô nàng từng trải, nửa như hờ hững, bông đùa, nửa như mời gọi, lả lơi. Ở một góc khuất, hai cha con Rigoletto trân trối nhìn cảnh vẽ vãn vờn đuổi lố bịch này. Gilda trong trắng ngây thơ hồi tưởng lại những lời tình đường mật y chang mà gã Công tước đã tán tính cô trước kia, trong lòng dâng lên bao nỗi niềm cay đắng, bẽ bàng. Lão hề gù Rigoletto vừa dịu dàng vỗ về an ủi con gái vừa cố gắng kìm nén lòng căm hận và khát khao muốn tên đểu cáng phải bị trả giá xứng đáng… Một quartet ngắn rất xuất sắc và đầy kịch tính.

Maddalena là một nhân vật mezzo phản diện điển hình (sexy, ma mãnh, thủ đoạn) khá thú vị, nhưng rất tiếc, Verdi lại không tập trung khắc họa đậm nét và dành cho nhật vật này những aria quan trọng. Phần âm nhạc ấn tượng nhất cho Maddalena chính là trong quartet “Bella figlia dell’amore”, khi những tiếng cười khanh khách mỉa mai của ả như quấn quít với bản serenade của gã Công tước đàng điếm.

“Trong số những nhà soạn nhạc, kể cả trước đây hay bây giờ, tôi là người ít được học hành nhất. Ý tôi ở đây là ít được học hành một cách bài bản, chứ tôi không nói về kiến thức âm nhạc.” Verdi đã thú nhận một cách đấy tự tin như vậy về bản thân mình. Thực tế, Verdi đã học hỏi rất nhiều từ những nhà soạn nhạc trước mình như Bellini, Rossini và đặc biệt là Donizetti – những người đã thiết lập nên trường phái Opera Belcanto lừng danh đầu thế kỉ XIX.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những tác phẩm thời kì đầu và thời kì sau này đó là sự gắn kết giữa tính kịch sân khấu, tính cách, cảm xúc nhân vật với âm nhạc đã trở nên cực kì khăng khít, thuần thục. Đến những tác phẩm thời kì cuối, ông đã gần như dứt ra khỏi sự ảnh hưởng của Bel canto và tạo cho mình 1 phong cách độc lập hoàn toàn.

Rigoletto không chỉ nằm trong số những kiệt tác bất hủ của Verdi mà nó có thể coi là cột mốc ranh giới mở ra thời kỳ sáng tác thứ 2 của nhà soạn nhạc opera vĩ đại người Ý – thời kỳ mà ông đã tự tìm ra phong cách riêng, con đường riêng cho mình. Phần thể hiện “Bella figlia dell’amore” dưới đây trong một production “đội hình toàn sao” năm 2006 với sự tham gia của giọng coloratura soprano tài năng người Rumania – Elena Moșuc, giọng tenor trẻ đang lên người Ba Lan – Piotr Beczała và đặc biệt là một trong những Rigoletto nổi bật nhất của thế hệ này, Leo Nucci.

Giới thiệu Anti-elite
nothing special

Bình luận về bài viết này