My top 20 favourite Mezzo-sopranos & Contraltos – Part 3 (end B-))

mezzo3

  Thế là cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành nốt được cái danh sách này (dù đáng lẽ là nó đã bị bỏ lửng như rất nhiều bài viết “to be continued” trc đây của tôi). Khi bắt tay vào việc lựa chon các bản thu âm điển hình cho các nghệ sỹ, tôi như lạc vào mê cung không thể tìm thấy lối ra, đôi khi chán chẳng muốn tiếp tục nữa … Tôi xin kể 1 chuyện dưới đây:

  Khi nghe lại 1 vài bản ghi âm của Grace Bumbry, tôi thực sự bị ấn tượng mạnh bởi aria của Orfeo: “Che faro senza Euridice”. Một giọng hát đẹp rực rỡ  khiến tôi bị cuốn hút dù trước đây chưa bao giờ tôi thấy quá thú vị với aria nổi tiếng này. Gần như ngay lập tức, tôi đã chọn nó. Cùng lúc ấy, tôi cũng muốn đọc lại libretto, tìm nghe lại những bản ghi âm “Che faro…” khác như của Callas, của Ferrier, của Baker, của Stignani, của Verrett … để kiểm nghiệm. Oái oăm thay, tất cả tôi đều thấy … hay hơn Bumbry! Là sao? Tôi không thể hiểu được. Tôi đã nghe những bản thu âm kia trước rồi cơ mờ, sao bây giờ sau khi nghe Bumbry hát, tôi mới thấy họ hát hay? Phiên bản của Bumbry tempo khá nhanh và thậm chí là hát hơi vô cảm, hơi mechanical dù âm sắc bà tuyệt đẹp. Đây là cảm xúc của một người chồng khi “tận mắt chứng kiến người vợ yêu thương của mình qua đời  và vĩnh viễn khổng thể trở lại thế gian” sao? Không, đấy rõ ràng không phải là điều Gluck muốn, không phải là thứ âm nhạc mà Gluck muốn. Gluck viết “Orfeo ed Euridice” không hề dành cho những giọng hát đẹp hay những ca sĩ chỉ biết phô diễn kĩ thuật hoa mỹ phù phiếm thời ấy, mà đó là thứ âm nhạc gắn liền với những xúc cảm mạnh mẽ từ kịch tính sân khấu và lời thoại – 1 sự cách tân táo bạo đã ảnh hưởng đến rất lớn tới nhiều nhà soạn nhạc lỗi lạc sau này mà điển hình là Wagner.  Và tôi đã loại bản ghi âm này đi, với 1 chút lấn cấn…..

   Tôi nhớ 1 cựu moderator trước đây trong  nhạc cổ điển của ttvnol và cũng là 1 người bạn mà tôi vô cùng quý mến từng kể rằng anh không hề cảm thấy dễ dàng khi nhận xét những nghệ sỹ đỉnh cao ở cùng 1 tác phẩm, ai hay hơn ai, ai kém hơn ai như nhiều người khác. Không phải là không đủ sự tinh tế hay sự lắng nghe kỹ lưỡng, nhưng thực sự khó có thể đủ tự tin để có thể đưa ra 1 lời đánh giá (dù là ở mức độ amateur nhất) tài năng của các tên tuổi lớn khi chúng ta không phải những professional critics, musicologists,… Cùng lắm là “thích thú phần biểu diễn này hơn”, “âm nhạc này gần với cảm nhận của mình hơn”,… như thế cũng đã là “tỏ vẻ nguy hiểm” lắm rồi.  Một câu chuyện khác tôi còn nhớ mang máng. ở diễn đàn nhaccodien.info, ngày tôi còn làm Mod thanh nhạc cách đây vài năm, có 1 topic được đặt ra: “Giữa Mozart và Beethoven, ai thiên tài hơn?”, rất nhiều bình luận đưa ra và đều có những quan điểm mạnh mẽ bảo vệ ý kiến của mình, nhưng tôi chỉ nhớ duy nhất ý kiến của Mod Tocky (cũng là 1 pianist chuyên nghiệp): “Ôi – sao lại đi so sánh thiên tài…”.

  Thực ra tôi không được như anh bạn tôi, tôi vốn là người cảm tính và chả ngại ngần đưa ra những ý  kiến  mang tính  “chém gió” (dù có thể 1 thời gian ngắn sau, tôi đã thấy nó cực  kỳ ngu ngốc). Tôi vốn đã lựa chọn những bản thu âm xuất sắc khác để thay thế, (“El amor Brujo” – Falla, aria Jeanne D’Arc: “Oui, Dieu le veut – Adieu, forets”  – Tchaikovsky,…), nhưng đến lúc bắt tay vào viết entry này, tôi đã quay về lựa chọn ban đầu “Che faro senza Euridice” (!) . Tôi nghĩ rằng, dù không hẳn nó là phần thể hiện ấn tượng nhất hay điển hình nhất của Bumbry, nhưng thứ  ÂM NHẠC mà từ đó Bumbry mang lại dã khiến tôi thấy thích thú với aria này, khiến tôi muốn tìm hiểu nó sâu sắc hơn. Tôi nghĩ tôi phải học cách đối diện “chân thực với cảm xúc” của chính bản thân mình như Ebe Stignani – 1 cái tên tôi không ngại ngần xếp vào danh sách này dù tôi mới chỉ nghe rất ít…

  Tôi kể ví dụ này chỉ vì muốn nói rằng, việc thực hiện cái danh sách này không hề đơn giản với tôi, dù nó hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa cá nhân. Tôi nghe vài ba bản thu âm của 1 vài cái tên quen thuộc trong cái tủ đĩa ít ỏi của tôi, và thế là tôi đưa ra những lời phán như thánh sống =)). Cái danh sách này có đáng để tham khảo, đáng tin cậy khi bạn muốn tìm hiểu những giọng mezzo trong thanh nhạc cổ điển không? Không, chắc chắn là không, chẳng có 1 thứ đáng tin nào trong cái mớ ngớ ngẩn này cả. Nhưng nếu bạn chia sẽ những ý kiến, cảm nhận của bạn với những sự lựa chọn của tôi, có thể chúng ta sẽ có những trao đổi thú vị .

Part 1: No.01 -> N0.06.

Part 2: No.07 -> No.12.

c1-anne-sofie-von-otter

13. Anne sofie von Otter (1955~) – Swedish mezzo-soprano.

  Người đầu tiên bắt đầu part III này , tôi còn không nhớ là tên đầy đủ được viết như thế nào. Tôi thường chỉ nhớ đến bà ngắn gọn là von Otter mà thôi. Thực ra vị khi tôi dự định thực hiện danh sách này von Otter vốn ở vị trí thấp hơn nhiều. Nhưng ngay sau khi nghe bản lied vô cùng đáng yêu của Mozart : “Komm liebe Zither, komm”, tôi như có một nguồn năng lượng mới để tiếp tục công việc dở dang này.

  Số lượng album von Otter ghi âm chỉ tính riêng ở hãng DG đã gấp nhiều lần số đĩa nhạc của bà mà tôi có. Càng nghe tôi càng cảm thấy thiếu tự tin khi giới thiệu về bà – một trong những mezzo-soprano bản lĩnh nhất hiện nay. Von Otter là người rất thông minh, điều đó không chỉ thể hiện trong cách xử lý tác phẩm vô cùng tinh tế và sâu sắc, mà cả ở cách bà lựa chọn các repertoires cũng như con đường phát triển sự nghiệp của mình. Von Otter không phải là kiểu nghệ sỹ bản năng, bốc đồng, bất ổn và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng như những prima donna khác. Tất cả các bản thu âm dù là studio hay live đều cho thấy 1 Von Otter rất tỉnh táo, sắc sảo và có sự thấu hiểu thứ âm nhạc phát ra từ chính cổ họng mình. Có vẻ như những cảm xúc bà tạo ra hoàn toàn từ âm nhạc, không phải từ bản thân của bà (tôi có võ đoán không nhỉ). Tôi không thấy bà quá say đắm, mê muội trong âm nhạc, nhưng thứ âm nhạc bà mang lại lại vô cùng cuốn hút. Carmen của von Otter hơi thiếu nồng nhiệt, thậm chí lạnh hơn cả Elina Granca hay Magdalena Kozena (những người hát Carmen rất “tỉnh” và có type giọng, phong cách gần với von Otter). Nếu có được 1 hỗn hợp giữa Christa Ludwig và Janet Baker, ta sẽ có 1 hình dung gần với von Otter nhất. Von Otter hát Baroque, đặc biệt là Bach, lạnh vừa đủ, tỉnh táo vừa đủ và gần như là không có tì vết. Ở mảng ca khúc thính phòng, trước và sau thế hệ của bà, rất hiếm người có thể chạm tới những thàn tựu bà đã gâ dựng.

  Sự yêu thích của tôi với von Otter đến 1 cách từ từ, dần dần chứ không là 1 sự lôi cuốn tức thời. Thậm chí nó trồi sụt theo mỗi album mà tôi nghe. Giống Janet Baker, von Otter rất hiếm khi động đến những vai diễn opera thời kỳ lãng mạn. Thậm chí bà còn ghẻ lạnh Bel canto dù kĩ thuật coloratura trong “Nacqui all’affanno e al pianto” của bà khiến tôi bất ngờ. Ngay kể cả thế mạnh âm nhạc Baroque, von Otter cũng không hề ôm đồm những tác phẩm đòi hỏi phô diễn kĩ thuật chạy note quá phức tạp. Với artsongs, lieder, melodies,… bà né tránh hoàn toàn cách thể hiện uỷ mị, kịch tính như 1 số ca sĩ cùng thế hệ. Bắt đầu từ album “La bonne chanson” của von Otter, tôi mới thực sự quan tâm đến Melodies. Von Otter hát tỉnh táo, nhưng hiếm khi tạo cảm giác khô cứng, lạnh lẽo. Bà là người kế vị xứng đáng cho E.Schwarzkopf và D.Fisher-dieskau. Âm sắc giọng hát không phải đẹp một cách lộng lẫy và đặc biệt, tuy vậy nó rất vừa tai, điều đó khiến ngay cả những tác phẩm có giai điệu khó nắm bắt cũng không quá khó nghe.

  Von Otter không bao giờ đóng khung mình, bà hát từ dân ca khắp các nước, rồi jazz, pop thậm chí cả những ca khúc của … Abba hay những nhà soạn nhạc ít tên tuổi. Rất nhiều người lên án những dự án cross-over của von Otter, nhưng tất nhiên, không 1 ai nghi nghờ con người nghệ sỹ của bà. Von Otter không hề bước chân sang pop, jazz để kiếm thêm khán giả, để nổi tiếng hơn, để bán được nhiều đĩa hơn và càng không ôm mộng trở thành nghệ sỹ cross-over. Bà cũng không dùng cách hát cổ điển để trình diễn chúng. Bà hát vì bà thích, bả cảm nhận chúng, như bà nói, giống 1 “thiên thần ngang qua phòng tôi” (tên 1 ca khúc của Abba).

  Tôi thực sự bối rối khi lựa chọn 1 bản thu âm của von Otter, có rất nhiều tuyệt phẩm trong sự nghiệp ghi âm khổng lồ của bà, thế nhưng số tác phẩm khiến tôi thực sự rung động không nhiều. Một trong số ít đó là album Những ca khúc nghệ thuật của Grieg – “Grieg songs”. Tôi không biết diễn tả lại như thế nào. Tôi thực sự bị choáng ngợp, ngay từ ca khúc đầu tiên. Một album quá đẹp.

Download:

– Anne Sofie von Otter – Komm, liebe Zither, K.351 – Wolfgang Amadeus Mozart.

– Anne Sofie von Otter – Killingdans, Op.67, No.06 – Edvard Grieg.

c2-ebe-stignani

14. Ebe Stignani (1903-1974) – Italian mezzo-soprano.

  Phải thú thực rằng, tôi không biết nhiều về Stignani, và cũng không nghe quá nhiều bản ghi âm của bà. 2 bản ghi âm studio “Aida” (với Tebaldi), 2 bản ghi âm “Norma” (với Callas) đều được thực hiện ở nửa cuối sự nghiệp của Stignani khi giọng hát đã qua sườn dốc. Nhưng một giọng hát có vẻ đẹp khiến Simionato phải “phát điên lên” và vô cùng ngưỡng mộ thì hẳn phải là 1 cái gì đấy chứ. Những bản thu âm thực hiện vào thời kì 30s-40s, khi Stignani ở thời kì sung sức nhất cho thấy 1 giọng hát mezzo Ý thuần chất đẹp tự nhiên hoàn hảo. Tôi k0 dám khẳng định là tôi nghe nhiều, nhưng trong số những mezzo Ý tôi từng nghe, Stignani là mezzo có âm sắc đẹp đẽ nhất. Một giọng hát như thể Tebaldi có giọng mezzo, ấm áp, tròn trịa, đầy đặn, bỏ xa những giọng mezzo Ý đàn em thế hệ sau như Simionato, Cossotto. Cách bà hát Verdi là một khuôn mẫu đối với những Verdian mezzo sau này. Đôi khi đặt cạnh những bản ghi âm xuất sắc của Obraztsova (Verdian mezzo yêu thích nhất của tôi), tôi đã thầm tự hỏi rằng: “dường như Obraztsova có hơi quá…”.

  Ebe Stignani chính là mezzo đầu tiên thực sự nghiên cứu 1 cách sâu sắc opera Belcanto và làm sống lại nó. Trước Stignani, phần lớn các Belcanto repertoires cho mezzo chỉ quanh quẩn ở “Il barbiere di Siviglia”, “L’Italiana in Algieria”, “La Cenerentola”. Nên nhớ bản ghi âm studio “Norma” đầu tiên được thực hiện có sự tham gia của Ebe Stignani trong vai thứ Adalgisa (Gina Cigna hát Norma). Ebe Stignani không phải người có kĩ thuật coloratura xuất sắc, nhưng bà biến opera belcanto không chỉ còn là những màn khoe khoang kĩ thuật chạy note thuần tuý. Aria “O mio Ferrando”, dù thiếu vắng cabaletta nổ tưng bừng phía sau vẫn khiến chúng ta bất ngờ với vẻ đẹp của nghệ thuật hát.

Download:

– Ebe Stignani – Rataplan, rataplan – La forza del destino – Giuseppe Verdi.

– Ebe Stignani – O mio Fernando – La Favorita – Gaetano Donizetti.

c3-grace-bumbry

15. Grace Bumbry (1937~) – US. American mezzo-soprano.

  Từ trước khi Leontyne Price trở thành Prima donna của Met, ngay từ đầu thập niên 60s, Grace Bumbry đã gây chấn động những thánh địa opera Châu Âu như Bayreuth, Paris opera, Royal Convent Garden và tất nhiên là cả La Scala. Một sự khởi đầu đáng mơ ước với bất cứ ca sĩ opera nào chứ không chỉ đối với 1 nghệ sỹ da màu hoạt động ở thời kì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Nhưng, tôi không biết lý do làm sao từ thập niên 70 đổ đi, có rất hiếm những bản ghi âm studio xuất sắc của Bumbry, nó thực sự là dấu hỏi với tôi, những bản ghi âm live cho thấy giọng hát Brumbry vẫn k0 sút kém so với thời trẻ. Bumbry không hề bị xuống phong độ như Verrett, giọng hát rất khoẻ, mạnh, giàu cá tính với âm vực trải rộng từ alto đến soprano và dường như rất ít thay đổi chất lượng trong suốt sự nghiệp. Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề của Bumbry cũng giống như Verret thôi, bà không phải là một người thông minh khi lựa chọn các vai diễn để phát triển sự nghiệp. Thay vì phong phú kịch mục trong giọng hát mezzo của mình, chỉ vì muốn được đứng ở vị trí Prima donna, Grace Bumbry nhận rất nhiều vai soprano, mà trong đó, với tôi, chỉ có Le Cid là thực sự đem lại chút ít ấn tượng đáng kể. Thành công quá sớm khi mới ngoài 20 khiến cho Grace Bumbry bị ngợp, bà không thể dừng lại, bà luôn phải đi lên. Có lẽ Grace Bumbry không hề có sự chuẩn bị trước cho sự nổi tiếng , bà đơn giản chỉ là 1 cô gái nhút nhát có giọng hát thiên phú, yêu ca hát, muốn được hát. Bà đã tỏ ra lung túng khi đón nhận sự nổi tiếng và thậm chí đã có những lựa chọn sai lầm như chính bà thú nhận trong rất nhiều bài phỏng vấn sau này. Dù những sự lựa chọn ấy không gây tác hại đáng kể cho giọng hát khoẻ khoắn bẩm sinh của bà, nhưng nó phần nào làm ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí mà đáng lẽ bà đã hoàn toàn xứng được nhận – mezzo-soprano xuất sắc nhất của thập niên 70-80.

  Ở những bản thu âm đầu tiên vào cuối thập niên 50, giọng hát alto ngọt như mật và đặc quánh của bà khiến tôi sửng sốt, dù chỉ là những trích đoạn đơn giản trong oratorio của Handel. “El Amor Brujo” của bà là bản ghi âm xuất sắc nhất ở tác phẩm này với tôi. Nhưng Norma lại thực sự là thảm hoạ. Tôi không quen cách thể hiện Carmen của Bumbry, hơi lý trí và thiếu sự mềm mại. Verdi cũng vậy, dù bà luôn dư năng lượng và không có vẻ gì đuối sức với những note cao ác liệt.

  Tuy vậy Lieder là 1 phát hiện khá thú vị ở bà. Tôi không so sánh với Janet Baker hay Christa Ludwig, nhưng Bumbry hát Schubert và Brahms không hề ở đẳng cấp thấp hơn. Khi nghe 1 recital album của Grace Bumbry, cảm giác như bạn đang trải qua 1 giấc mơ đẹp, nhưng khi track nhạc cuối cùng dừng lại, giấc mơ ấy cũng tan biến và không còn đọng lại gì nữa. Rất khó duy trì cảm xúc thưởng thức sau khi nghe những album của Bumbry, nhưng một khi đã ấn nút play, không bao giờ bạn muốn nó bị dừng lại đột ngột.

  Một giọng hát đẹp có thể cũng đủ với tôi. Nhưng cũng có thể không.

Download:

– Grace Bumbry – Che faro senza Euridice – Orfeo ed Euridice – Christoph Willibald Gluck.

– Grace Bumbry – Litanei auf das Fest Aller Seelen, D.343 – Franz Schubert.

c4-brigitte-fassbaender

16. Brigitte Fassbaender (1939~) – German/Austrian mezzo-soprano.

  Tôi không biết vì sao với cùng 1 kiểu hát, tôi luôn thấy Agnes Baltsa gây khó chịu còn Brigitte Fassbaender thì mang lại sự bùng nổ, cá tính chấp nhận được. Tôi sẵn sàng ok 1 chút gai góc và coi nó như 1 điểm độc đáo của B.Fassbaender, chẳng hạn trong “O don fatale” trong khi vẫn là kiểu hát ấy, tôi lại thấy nó là “sự gào thét”, làm quá ở A. Baltsa. Thực ra tôi không ghét Baltsa, tôi chỉ thấy mình k0 hợp với phong cách của bà. Mỗi nghệ sỹ đạt đến 1 thành tựu nhất định, đều có “nghệ thuật” của họ và nó tác động với mỗi đối tượng khán giả khác nhau, đòi hỏi 1 sự công bằng cho tình cảm là không công bằng, tôi nghĩ vậy. Nhưng người tôi nhắc đến ở đây là Fassbaender k0 phải Baltsa, tôi chỉ cố lý giải cho những ấn tượng của tôi về 2 giọng hát mà tôi ít nhiều thấy sự tương đồng.

   Cá nhân tôi thấy, Brigitte Fassbaender là giọng mezzo soprano có âm sắc độc đáo nhất trong những mezzo tôi từng nghe. Tất nhiên mỗi người trong chúng ta đều có một âm sắc riêng, nhưng cái màu âm khác lạ của Fassbaender đối với tôi dường như tách biệt hẳn so với những mezzo khác. Bà không chối bỏ lối nhả chữ hơi nặng nề kiểu Đức và biến nó làm dấu ấn độc đáo của mình, nhưng k phải vì thế mà người ta xếp bà vào dạng nghệ sỹ Đức hạng 2, được các producer cố gắng thêm vào trong 1 all-stars production opera/operetta Đức-Áo để làm tăng tính địa phương, đẹp đội hình. Brigitte Fassbaender là 1 nghệ sỹ ở đẳng cấp thế giới, điều này không cần phải chứng minh dù cách thể hiện của bà – con đường mà bà đi không trùng lặp với bất cứ nghệ sỹ nào.

  Sẽ rất hài hước, nếu bảo rằng giọng hát của bà đẹp theo lối chuẩn mực, nhưng nó rất giàu sắc thái và đa diện. Bà không cố tình mềm mại hoá giọng hát sắc cạnh của mình nhưng vẫn luôn đảm bảo tính trữ tình khi cần. Với những repertoires kịch tính, bà ít tính toán hơn Christa Ludwig, thậm chí cảm xúc mãnh liệt hơn nhưng vẫn kiểm soát chúng 1 cách hiệu quả. Tôi bị Fassbaender chinh phục hoàn toàn với Brangane  trong Tristan und Isolde.  Charlotte (Wether) của Fassbaender đau đớn, vùng vẫy trong thứ tình yêu bị cấm đoán nhưng vẫn đầy nữ tính, sự cam chịu. Fassbaeder khắc hoạ ấn tượng 1 Klytemnestra (Elektra) tội lỗi, độc ác và luôn chìm trong trạng thái sợ hãi, mất kiểm soát. Christa Ludwig vẫn là giọng mezzo Đức vĩ đại nhất, nhưng Brigitte Fassbaender là giọng mezzo nghe “Đức” nhất với cái tai của tôi. Với Operetta Đức/Áo, Fassbaender là số 1 trong thế hệ của bà. Chỉ có bà mới vừa thể hiện được chất hài hước trong giọng hát cũng như khả năng diễn xuất độc đáo, đáng yêu và duyên dáng ở mỗi vai diễn. Ở Lieder, Không như kiểu thể hiện mẫu mực và sâu sắc như F-D, Schwarzkopf hay Baker,  bà thể hiện với 1 phong cách khác lạ hơn, với cách nhả chữ và nhấn nhá đầy cảm xúc mang nhiều dấu ấn cá nhân, gần với những gì mà tôi thấy ở Hermann Prey. Có thể có người thích hoặc không thích cách thể hiện Schubert của bà, nhưng album Richard Strauss & Liszt lieder của bà là 1 đỉnh cao ít người đạt tới.

  Không phải tất cả những gì Fassbaender thể hiện tôi đều yêu thích, nhưng khi cần tìm 1 cảm xúc mới ở 1 tác phẩm quen thuộc cho mezzo hoặc 1 bản lieder, Fassbaender có lẽ chính là người đầu tiên tôi nghĩ tới.

Download:

– Brigitte Fassbaender – Zueignung, Op.10, No.01 – Richard Strauss.

– Brigitte Fassbaender – Einsam wachend in der Nacht – Tristan und Isolde – Richard Wagner.

c5-nathalie-stutzmann

17. Nathalie Stutzmann (1965~) – French contralto.

  Có không ít ca sĩ nổi tiếng có thể chỉ huy, như P.Domingo, D.Fischer-Dieskau, S.Milnes,… tuy vậy số người vừa hát vừa cầm đũa như Stutzmann có lẽ là rất hiếm. Nhưng kể cả khi bỏ qua tài năng ấy, với hàng tá những giải thưởng danh giá, không ai nghi ngờ Stutzmann là 1 trong những contralto xuất sắc nhất của thế hệ chúng ta.

  Stutzmann không có giọng hát lồng lộng với những note thấp chắc nịch, thăm thẳm như Ewa Podles (cũng là 1 contralto tài năng mà tôi sẽ nhắc đến sau đây),  tuy vậy giọng hát ấm áp và cách xử lý âm nhạc thông minh của bà khiến những ca khúc nghệ thuật nhỏ xinh hay những aria đơn điệu, lê thê thời kỳ Baroque – những repertoires chủ yếu của, bà trở nên phong phú, nhiều màu sắc và giàu cảm xúc. Lieder của Schumann đặc biệt là “Die Frauen Liebe und Leben” không có nhiều người thể hiện xuất sắc hơn, ngay kể cả những nghệ sỹ của thời kì hoàng kim thập niên 50-60s. Bản thu âm “From Jewish Folk Poetry” của Shostakovich cùng Luba Orgonasova và Philip Langridge là bản thu âm studio tôi thích nhất của chùm tác phẩm này. Ngay cả những tác phẩm quen thuộc đến nhàm tai của Handel như “Ombra mai fu”, hay “Cara Posa”, Nathalie Stutzmann cũng mang lại những nét độc đáo và hấp dẫn rất riêng từ giọng hát contralto trầm ấm của mình.

  Nathalie Stutzmann có discography đáng nể, ngay từ cuối thập niên 80s, khi mới hơn 20t bà đã có nhiều bản ghi âm ấn tượng với hãng ghi âm danh tiếng RCA, tuy vậy không ít trong số đó tôi mới chỉ nghe một đôi lần và chưa muốn nghe lại, nó chủ yếu là do những repertoires bà lựa chọn chưa thực sự hấp dẫn tôi chứ không hẳn do tài năng của bà. Thực ra tôi vốn đọc rất ít về Stutzmann, cho đến gần đây tôi vẫn k biết rằng Stutzmann là người Pháp (vì cái tên có mùi rất Đức của bà). Dù sao thì Stutzmann vẫn là 1 trong số ít những nghệ sỹ đương đại mà tôi vẫn luôn theo dõi.

  Giờ đây dù đã  gần 50t, nhưng với sự đầu tư chăm chút của ông lớn DG, chắc chắn Nathalie Stutzmann sẽ tiếp tục đưa ra nhiều khám phá thú vị, những cuộc chinh phục âm nhạc mới trong tương lai.

– Nathalie Stutzmann – Sento in seno ch’in pioggia – Il Giustino – Antonio Vivaldi.

– Nathalie Stutzmann – Schast’je, Op.79a, No.11 – Dmitri Shostakovich. (with Luba Orgonasova – Soprano, Philip Langridge – Tenor)

c6-fiorenza-cossotto

18. Fiorenza Cossotto (1935~) – Italian mezzo-soprano.

  Fiorenza Cossotto –  cái tên đã làm mưa làm gió tất cả những sân khấu opera lừng danh nhất cũng như những all-stars casting opera productions ở những hãng đĩa tên tuổi nhất trong suốt hơn 2 thập niên 60s-80s, – người kế vị , thậm chí còn toả sáng hơn cả người tiền nhiệm tài danh Giulietta Simionato trong những vai diễn mezzo-soprano kịch tính, đứng ở vị trí gần cuối trong cái danh sách kỳ cục này. Sẽ có không ít người cho rằng đây là 1 trò đùa thiếu duyên.

  Nhưng thực sự đúng là vậy, dù tôi luôn thích giọng hát khổng lồ và rực lửa của Cossotto,  thậm chí khi mới triển khai danh sách này, tôi vốn xếp bà ở vị trí thứ 12, trên cả Verrets, von Otter, Bumbry,… nhưng khi nghe lại một loạt các bản thu âm, tôi lại dường như giảm dần sự hứng thú. Đối với mọi mezzo-soprano trước, sau và kể cả những người cùng thời với Cossotto, bà luôn là một dramatic mezzo soprano nằm ở top đầu , một Verdian mezzo ít người có thể so kè. Bà là người luôn gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ ngay từ đầu, thế nhưng nó nhanh chóng bị thay thế bởi những giọng hát khác đẹp hơn hoặc giàu cảm xúc hơn hoặc kĩ thuật tốt hơn. Tôi rất khó khăn khi lựa chọn 1 bản thu âm điển hình của bà mà tôi yêu thích. Santuzza, Amneris, hay Azucena của bà dường như khó có thể tìm ra tì vết và chắc chắn là đàn em Dolora Zajick sẽ còn phải phấn đấu nhiều để sánh bằng, nhưng một cách cá nhân, tôi lại thích sự thể hiện của Obraztsova hơn. Cossotto hát “La Favorita” vô cùng xuất sắc, nhưng ở tất cả những aria đinh, đều không mang lại sự hấp dẫn cho tôi bằng Simionato hay thậm chí là Stignani. Khi nghe những note trầm dầy cồm cộp như con dấu đóng mạnh vào tờ giấy của I.Bogachyova hay Ewa Podles trong “Re dell’abisso”  tôi bỗng thấy phần thể hiện Ulrica đầy góc cạnh của Cossotto trở nên ít nhiều kém sắc. Và tương tự với Eboli, với lady Macbeth, với Dalila, với Carmen, với Rosina, với Cherubino, v.v…

  Tất nhiên, như đã nói, Cossotto không hề mờ nhạt, không phải dạng nghệ sỹ mà bạn dễ dàng có thể để trôi tuột qua tai mà không đọng lại gì. Bà còn là 1 nghệ sỹ cá tính mạnh (ngay cả ở ngoài đời), và chính cái cá tính mạnh ấy đem về cho bà 1 lượng anifan đáng kể khi bà không ngại ngần upstage những tên tuổi lừng lững như Maria Callas hay Leontyne Price ngay trên sân khấu trong những buổi diễn ở cuối sự nghiệp của họ (dù Cossotto luôn lên tiếng phủ nhận và đưa ra những lý giải riêng cho hành động của mình). Tôi không phán xét con người bà, ngay cả cả khi đã đọc về những scandals ấy, nó cũng không khiến tôi khó chịu vơi bà, vì dù gì với tôi, bà vẫn là 1 nghệ sỹ tài năng, một giọng mezzo không thể bỏ qua của thập niên 60,70.

  Tôi lựa chọn ở đây 2 bản thu âm mà tôi thấy thích thú nhất trong số những bản ghi âm của bà mà tôi từng nghe. Một trong 1 vở opera ít được ghi âm của Verdi “Un giorno di regno”, và một trong 1 recital album được ghi âm và xuất bản  vào thập niên 60, khi giọng hát của Cossotto đang ở thời kì vàng son.

Download:

– Fiorenza Cossotto – Grave a core innamorato … Se dee cader la  – Un Giorno di Regno – Giuseppe Verdi.

– Fiorenza Cossotto – Voce di donna o d’angelo – La Gioconda – Amilcare Ponchielli.

c7-ewa-podles

19. Ewa Podleś (1952~) – Polish contralto.

  Tôi rất tiếc rằng, dù đã gần bước vào nửa cuối sự nghiệp, một giọng contralto đẹp hiếm có như Ewa Podles vẫn không được một hãng thu âm “đại gia” nào để mắt tới. Phần lớn các bản thu âm của bà là các buổi diễn live hoặc những recital album cho các hãng đĩa không tên tuổi. Giọng Contralto thực sự đã là rất hiếm, nhưng giọng contralto có âm thanh dày và đẹp  như Ewa Podles còn hiếm hơn.  Ewa Podles sinh ra để dành cho những vai diễn như La Cieca (La Gioconda) hay Ulrica (Un Ballo in Maschera). Khác với kiểu giọng mạng tính thính phòng như Stutzmann, Ewa Podles là giọng hát dành cho các nhà hát với âm thanh khoẻ mạnh, vang dày, ngay cả ở những note thấp nhất cũng rõ ràng, đầy đặn không chút mờ xỉn.

  Ewa Podles sở hữu một âm vực đáng ngưỡng mộ, có thể so với Marian Anderson, cùng với kĩ thuật coloratura xuất sắc, thế nên không ngạc nhiên khi bà dễ dàng thành công với không ít kịch mục của Handel cũng như opera Belcanto. Tôi đã nghe rất nhiều người hát Tancredi xuất sắc trước đây, nhưng với phần rondo chói sáng ở màn cuối, Ewa Podles vẫn dư sức làm tôi há hốc mồm. Ngay cả những note Do cao thuộc âm vực soprano cũng không phải trở ngại đáng kể với bà, hơn thế, bà vẫn giữ được âm sắc sâu tối quyến rũ đặc trưng chứ không hề bị biến dạng hay thay đổi sắc giọng vì quá sức.

  Dù là một giọng nữ trầm tuyệt đẹp nhưng không hẳn là Ewa podles không phải là không có ít nhiều nhược điểm. Rất nhiều khi giọng hát của bà thiếu độ trữ tình và những đường legato mượt mà cần thiết, thậm chí lắm lúc khá nặng nề trong những tiểu phẩm thanh nhạc thính phòng. Bà hát Carmen (1 Carmen …contralto !!!) hay Rosina mang nhiều vẻ vụng về hơn là sự duyên dáng, nữ tính (Ewa Podles dường như phù hợp với những vai trouser roles mang tính heroic hơn). Càng lớn tuổi, Ewa Podles càng có những note thấp dầy đẹp, nhưng tiếc rằng, tuổi tác cũng làm giảm vẻ đẹp và sự chính xác của những note cao ấn tượng của bà.

  Đòi hỏi sự hoàn hảo của 1 ca sĩ đã bước vào tuổi lục tuần có lẽ là hơi tham lam, tôi không dám chở đợi hay hi vọng gì với những đỉnh cao mới mà Podles có thể sẽ tạo nên. Những gì bà đã làm được, với tôi đã là quá mỹ mãn rồi. Tôi xếp bà ở 1 vị trí khiêm tốn trong cái danh sách này như vậy, không phải vì những điểm yếu của Podles tôi đã kể ra ở trên (tôi làm màu hoa lá hẹ, bới bèo ra bọ vậy thôi chứ ai chẳng có tì vết, keke). Tôi đã nghe không ít rất những giọng hát đẹp, những mezzo/contralto tài năng nhưng cuối cùng vì lý do nào đó, tôi đã không chọn họ, tôi chọn Ewa Podles. Vậy là đủ.

Download:

– Ewa Podles – Perche turbar la calma (Rondo) – Tancredi – Gioachino Rossini.

– Ewa Podles – Nie ma czego trzeba, Op.74, No.13 – Frédéric Chopin.

c8-magdalena-kozena

20. Magdalena Kožená (1973~) – Czech mezzo-soprano.

  Tôi vốn không chọn Kozena cho cái danh sách này từ đầu. Thực tế là với những gương mặt mezzo xuất sắc hiện nay, Kozena cũng không phải cái tên quá nổi bật. Đánh giá 1 cách công bằng, âm sắc của Kozena không dầy, ấm như 1 Elina Granca đang ngày càng chín mùi, không có kĩ thuật coloratura chắc chắn với âm vực hoành tráng như Joyce Didonato, cũng không có sự sáng tạo và 1 cá tính sắc nét như Viviaca Genaux (người lúc đầu tôi chọn cho vị trí này). Ngay cả các đàn chị kém may mắn hơn, không vớ được 1 hợp đồng ghi âm béo bở với DG như Olga Borodina, hay Vesselina Kassarova, Kozena cũng tỏ ra nhợt nhạt hơn rất nhiều. Cùng 1 con đường và điều kiện, nếu như Von Otter đã khẳng định 1 cách chắc chắn vị trí của mình trong làng nhạc, Kozena vẫn nhiều khi chỉ được người ta nhớ đến vì cái bóng của ông chồng danh tiếng (nhạc trưởng Simon Rattle) hay là 1 nhan sắc (rất đau đớn khi phải thú nhận rằng: đã bắt đầu tàn tạ) đến từ Czech – vựa gái đẹp trứ danh của đông âu hơn là tài năng thực sự.

  Những bản thu âm đầu tiên mà tôi nghe của Kozena không hề gây ấn tượng gì sâu sắc. “Lamento” khiến tôi buồn ngủ. Tôi liên tục phải  ấn next khi nghe Vivaldi album. Và khó kiếm 1 ca sĩ nào hát opera Pháp khô khốc và vô duyên như Kozena (thế mà gần đây cô nàng dám tự tin thu âm complete cả … Carmen cơ đấy!!!). Ngay cả các ca khúc nghệ thuật Czech của những nhà soạn nhạc đồng hương (như  Dvořák, Janáček, Martinů,…) Kozena hát cũng không có gì quyến rũ hơn những người khác (dù album “song my Mother taught me” hát những ca khúc của các nhà soạn nhạc đồng hương được đánh giá khá cao và đạt nhiều giải thưởng uy tín).

  Như vậy thì Kozena có điểm gì nổi bật để tôi “yêu thích” để nhắc đến ở đây? Từ “ah mio Cor”, tôi đã bắt đầu có 1 cái nhìn khác về Kozena. Kozena có thể không hẳn là người hát Handel đỉnh nhất, nhưng là người tạo nhiều hứng thú nhất với tôi trong những aria của Handel. Kozena không sử dụng kiểu hát trơn tuột như Emma Kirkby, cũng không hát Handel theo phong cách belcanto phô diễn kĩ thuật màu sắc như nhiều tên tuổi khác thế hệ trước và kể cả gần đây (có thể kể đến Sills, Caballe, Horne,…). Thậm chí đôi khi cô tỏ ra kịch tính hơi quá mức cần thiết, tuy nhiên nó vẫn vừa ở giới hạn dễ chịu. Những note hoa mĩ cũng được cài cắm khá duyên dáng và không phô trương. Vẫn phong cách hát thông minh ấy, “Mozartiard” giúp tôi hiểu vì sao Kozena từng đạt giải vô địch cuộc thi thanh nhạc danh tiếng mang tên Mozart ở chính Salzburg – quê hương của nhà soạn nhạc thiên tài này, khi mới 22t. Kozena cố gắng hát 1 cách chân phương nhất, nhưng không phải kiểu hát trơn đơn điệu, không cố giả bộ trong vai 1 mezzo tuổi teen để hát thứ âm nhạc trong trẻo của Mozart. Quyết tâm làm tiến sâu vào địa hạt âm nhạc Baroque, tiền Baroque, “Lettere Amorose” như 1 cơn gió mát lành và dịu nhẹ khiến tôi thấy thân thuộc với thứ âm nhạc thời kì này hơn, dù album đó không được đánh giá tốt.

  Những bản thu âm tôi ấn tượng nhất ở Kozena chính là từ debut album “Bach arias” – 1 album mà gần đây tôi mới biết. Khi thực hiện album này cho 1 hãng ghi âm nhỏ của Czech, Kozena chưa hề nổi tiếng (dù đã giắt lung vài giải thưởng quốc tế) và cũng chưa gặp Simon Rattle.  Kozena mới hơn 20t, trong veo, tinh sạch và tươi tắn từ giọng hát đến phong cách thể hiện. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuốn hút với thanh nhạc của Bach như vậy. Tôi nghĩ rằng chỉ cần album này cũng đủ để khẳng định tài năng không thể chối bỏ của Kozena. DG sau khi đánh hơi được bản thu âm này, đã lập tức mua lại và phát hành dưới label của mình vào 2 năm sau cùng 1 hợp đồng ghi âm độc quyền hấp dẫn với Kozena. Album nhận được những lời phê bình hết sức hào phóng và 1 sự nghiệp quốc tế sáng lạn trải rộng dưới chân Kozena.

  Giọng hát ngày một định hình cá tính riêng, không phải kiểu trong veo, thơ ngây như lúc đầu, Kozena có thể hài lòng với những gì mình đạt được. Kozena chắc chắn sẽ không bao giờ trở thành 1 Janet Baker thứ 2 như người ta kỳ vọng, nhưng nếu nghĩ rằng chỉ vì là Lady Rattle mà Kozena có những thành tựu như hiện nay thì e là đánh giá này hơi hời hợt.  Tôi yêu thích nghệ thuật của cô, giọng hát của cô qua những bản ghi âm mà tôi đã nghe, và với tôi thì Kozena là 1 nghệ sỹ tài năng. Tôi yêu thích cô chỉ đơn giản vậy  thôi.

Download:

– Magdalena Kozena – Kommt, ihr angefochtnen Sünder, BWV.30, Nr.05 – Johann Sebastian Bach.

– Magdalena Kozena – Felici gl’animi – Girolamo Kapsberger.

altos

20 ++ , một vài (hay rất nhiều) người khác nữa …

  Trong dự định ban đầu của tôi, 2 vị trí cuối trong danh sách này vốn là contralto vĩ đại E. Schumann-heink và coloratura mezzo trẻ gốc Alasca, Vivica Genaux (hoặc Joyce didonato – 2 người tôi luôn phân vân). Tất cả chỉ thay đổi khi tôi nghe lại album Chopin của Ewa Podles và “Bach arias” của Kozena. (Cái nhận định hời hợt,”sống dựa nhờ anh chồng nổi tiếng” về Kozena chính là nhận định ban đầu của tôi chứ chẳng phải ai khác). Tôi đã làm 1 cuộc tái khám phá lại 2 giọng hát này. Và cuối cùng tôi đã dành 2 vị trí cuối cho họ. Nhưng điều đấy không có nghĩa là tôi đánh giá thấp hơn hay ít yêu thích Schumann-heink hay Genaux hay rất nhiều người khác nữa. Nó chỉ là vấn đề thời điểm. Còn rất nhiều tài năng khác, mà tôi cho rằng tôi không đủ tự tin đánh giá về họ khi tôi không có nhiều bản thu âm của họ, hoặc chưa gây 1 ấn tượng đủ mạnh để tôi tự tin rằng họ là “favorite artists” của tôi. Tôi muốn nhắc đến ở đây 1 vài cái tên khác nữa, rằng không phải tôi bỏ quên họ, không phải tài năng của họ chưa đủ hấp dẫn tôi mà chỉ là tại thời điểm mà tôi hoàn thành cái danh sách này, 20 người kia đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc rõ nét hơn chút ít.

  Tôi muốn nói đến Zara Dolukhanova, một giọng mezzo thính phòng xuất sắc người Armenian, một Berganza đầy tinh tế của Liên Xô thập niên 50. Một người nữa mà tôi muốn nhắc đến nữa là vị chủ khảo cuộc thi thanh nhạc danh tiếng Tchaikovsky năm 2007 – NSND Irene Bogachyova, người mà cả tài năng và giọng hát đều không thua kém E.Obraztsova, nhưng lại không may mắn có 1 sự nghiệp quốc tế như giọng ca đồng hương. Cũng không thể không kể đến Elena Cernei –  Nghệ sỹ công huân Rumani, một trong những nghệ sỹ đông âu có 1 sự nghiệp biểu diễn huy hoàng ở cả 2 bên bờ Đại Tây Dương suốt thập niên 60, từ Met đến La Scala lẫn cả Bolshoi, một giọng mezzo xuất sắc trên mọi phương diện (kĩ thuật, âm sắc, diễn xuất, ngoại hình), nhưng không hiểu sao không lọt vào mắt xanh của 1 hàng ghi âm lớn nào. Rồi những Rise Stevens, Regina Resnik, Tatiana Troyanos, Sigrid Oneghin, Fedora Barbieri, Irena Arkhipova, Clara Butt, Ernestine Schumann-heink, Jennie Tourel, vân vân và vân vân, …

  Tôi cho rằng rất nhiều người như Cernei, hay Podles, rằng vì 1 lí do nào đó, họ không để lại nhiều bản thu âm và được các hàng đĩa lỡn o bế dù tài năng và giọng hát của họ đã được khẳng định. Có nhiều người khác như Obukhova, như Stignani…, những bản thu âm có chất lượng âm thanh tốt chỉ được thực hiện khi họ đã qua thời kì hoàng kim. Càng khám phá các bản thu âm của các nghệ sỹ, tôi càng cảm thấy nó rất rộng lớ. Làm sao tôi có thể tìm nghe hết được , có thể tìm hiểu hết được. Những giọng ca đỉnh cao bị lớp bụi mờ của thời gian che phủ hay cả những giọng ca trẻ tài năng đang phải vật vã khẳng định mình trên con đường nghệ thuật chông gai hiện nay tại cái nơi mà ít nhiều bị chi phối bởi những thứ ngoài nghệ thuật như tính thương mại hay sự lạnh lùng của cỗ máy công nghiệp ghi âm. Họ ở đâu? Tôi có đủ tinh tường đề nhận ra họ không?

  Phần lớn những người trong danh sách trên đều là những người mà hầu như những người nghe và yêu thích opera đều biết tới, đơn giản vì họ có 1 sự nghiệp ghi âm (chứ không chỉ riêng biểu diễn) sáng chói với cơ man không biết bao nhiêu là album nhạc. Tôi chỉ việc nghe, và nhặt ra trong số đó thôi. Sự đánh giá, yêu thích, hơn kém hoàn toàn chỉ dưới góc độ cá nhân, chủ quan. Những người khác, thì chẳng qua là họ may mắn hơn khi những album không quá phổ biển của họ “may mắn” nằm trong kệ đĩa của tôi (hay chính xác hơn là tôi may mắn có duyên với bản ghi âm của họ).

– End –